Gần đây, mạng xã hội xứ kim chi nổ ra cuộc tranh luận: "Bạn có muốn để người yêu tách lá vừng (kkaennip) hộ một người bạn khác giới trong bữa ăn không?".
Một số ý kiến cho rằng chuyện này không có gì quan trọng, trong khi hầu hết lại thấy điều đó "không thể chấp nhận được".
Vấn đề gây tranh cãi trên là một trong những "luật bất thành văn" khi hẹn hò ở Hàn Quốc.
"Tôi khá ngạc nhiên khi văn hóa hẹn hò ở nước này lại có các tiêu chuẩn và thứ tự cụ thể, từ lúc gặp gỡ cho tới khi thành đôi", Laura - du học sinh tại Hàn Quốc - nói với Korea Joongang Daily.
Ở Hàn Quốc, người trẻ thường gặp gỡ nhau qua những hình thức như hẹn hò giấu mặt, hoặc qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân. Ảnh: Onethreeonefour. |
Theo Irene Yung Park, Giáo sư khoa Văn hóa và Văn học của ĐH Yonsei, khái niệm "hẹn hò" được phổ biến tại xứ kim chi từ những năm 1960. Lúc đó, việc kết hôn dựa trên tình yêu và hẹn hò lứa đôi dần được chấp nhận.
"Nếu muốn kết hôn, bạn cần làm quen và yêu một người nào đó. Sự phát triển của văn hóa hẹn hò đã dẫn đến hàng loạt 'quy tắc ngầm', một số còn duy trì tới ngày nay", Park nói.
Theo Park, một số hình thức gặp gỡ phổ biến ở Hàn Quốc gồm jamanchu (tình cờ làm quen), sogaeting (hẹn hò giấu mặt), hoặc inmanchu (các buổi giới thiệu đối tượng).
Ngoài ra, xã hội xứ kim chi vẫn bị phân tách theo độ tuổi, giới tính. So với các quốc gia khác, nam và nữ giới Hàn Quốc hiếm khi tiếp xúc xã hội với nhau, do đó hiếm có các cuộc gặp gỡ tự nhiên.
Một khía cạnh đáng nói khác trong văn hóa hẹn hò xứ kim chi là sự phân chia các giai đoạn trong tình yêu.
Ví dụ, Laura đã nhiều lần nhận được câu hỏi: "Bạn đã tiến đến giai đoạn sseom (trò chuyện) với ai chưa?".
Cô cho biết rằng giai đoạn này là quá trình trò chuyện, tìm hiểu sở thích, tính cách của đối phương. Tuy vậy, điểm khác biệt của sseom trong văn hóa hẹn hò xứ Hàn là chỉ được phép kéo dài khoảng 1 tháng.
Văn hóa hẹn hò Hàn Quốc có nhiều quy định "bất thành văn", từ cách gặp gỡ cho đến quá trình phát triển tình cảm. Ảnh: CNN. |
Nếu kéo dài khoảng thời gian tìm hiểu - thường là 3 buổi hẹn - người đó bị coi là đang giả vờ, làm cao. Sau giai đoạn này, cả hai gần như có một cam kết "bất thành văn" - họ là đối tượng của nhau.
"Người phương Tây thường tìm hiểu đối tượng mình ưng ý bằng cách đi chơi, trò chuyện mà không bị giới hạn thời gian hay cam kết. Bạn cần có nhiều buổi hẹn để biết mình có hợp với người đó không", Park nói.
Theo giáo sư, những "luật hẹn hò ngầm" này chịu ảnh hưởng lớn từ các bộ phim truyền hình. Từ ngoại hình, xu hướng hẹn hò, lời tỏ tình cho đến tán tỉnh phổ biến đều xuất phát từ những loạt phim đình đám.
Park lấy ví dụ về bộ phim My Sassy Girl, ra mắt năm 2001, đã tạo ra trào lưu mặc đồng phục đi hẹn hò nhờ một phân cảnh nam và nữ chính đóng.
Từ đó, giới trẻ thường mặc đồng phục đến các địa điểm hẹn hò nổi tiếng như công viên giải trí, rạp phim... Thậm chí, các cửa hàng cho thuê đồng phục cũng mọc lên nhanh chóng.
"Hàn Quốc là một đất nước sống tập thể nên các xu hướng xã hội truyền bá rất nhanh", Park giải thích.
Theo Zing