Bí quyết giành giải cao cuộc thi viết thư UPU
Được tổ chức thường niên, viết thư quốc tế UPU đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc thi và trở thành một hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh trong độ tuổi từ 9 đến 15 trên toàn cầu.
Trong lần thứ 53 được tổ chức, cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm nay có chủ đề “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính thế giới đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”. Chủ đề này gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính thế giới - UPU (1874 - 2024).
Tại lễ phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2024 vừa được tổ chức tại Thái Nguyên, qua giao lưu và giải đáp thắc mắc của học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm về cuộc thi, các thành viên Ban giám khảo cũng đã truyền lửa và cổ vũ tinh thần các bạn trẻ.
Tham gia giao lưu với các bạn học sinh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhắn nhủ các em trong quá trình học tập hãy yêu môn văn, một trong những môn học cơ bản, giúp các em bồi đắp tình yêu mọi người và biết cách bày tỏ, thể hiện tình cảm của mình. Theo chia sẻ của nhà thơ, những bạn học sinh đạt giải cao cuộc thi viết thư quốc tế cũng là những bạn yêu môn văn.
Nhận xét chủ đề của cuộc thi viết thư quốc tế năm 2024 rất hay, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi phân tích: Vai trò, sự tác động của bưu chính trong cuộc sống và sự phát triển xã hội tuy đã có được đề cập trong chủ đề các năm trước nhưng chưa bao giờ trực diện như lần này. Các em học sinh sẽ có cơ hội nhìn lại chặng đường 150 hoạt động của UPU góp phần thay đổi thế giới.
Hơn thế, các bạn trẻ có điều kiện bộc lộ cảm xúc, được viết thư cho những công dân toàn cầu để tâm sự về một điều, một vấn đề nào đó của thế giới hôm nay theo một cách sáng tạo. “Đây chính là bí mật và bí mật này sẽ quyết định chất lượng của bài dự thi viết thư quốc tế của các em”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Để giành giải cao cuộc thi viết thư UPU, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngoài việc người viết cần ‘đụng’ đến những vấn đề của nhân loại, một điều quan trọng là các em phải viết sao cho độc đáo, sáng tạo.
Minh chứng cho nhận định của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã dẫn chứng về lựa chọn độc đáo của tác giả bức thư đạt giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 45 – năm 2016. Với chủ đề “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi", cô học trò Hải Dương Nguyễn Thị Thu Trang khi đó đã chọn hóa thân thành Aylan Kurdi - cậu bé người Syria đã chết trên bờ biển Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) để viết thư cho chính cậu khi 45 tuổi. Lựa chọn độc đáo để thể hiện ước mơ về một thế giới không bạo lực đã giúp Nguyễn Thị Thu Trang giành giải cao nhất cuộc thi viết thư UPU năm 2016 tại Việt Nam.
Kỹ thuật viết bức thư dự thi UPU đúng thể lệ
Tại lễ phát động, nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi viết thư UPU lần thứ 53 để công bố thể lệ và hướng dẫn kỹ thuật viết thư UPU.
Bên cạnh lưu ý các em học sinh cần đọc kỹ thể lệ cuộc thi, đại diện Ban giám khảo cũng đưa ra một số điểm quan trọng mà thí sinh dự thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 – năm 2024 cần lưu tâm.
Đó là, bức thư cần được viết dưới dạng văn xuôi và phải theo đúng thể thức của một bức thư: Phần đầu thư có thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư; phần nội dung thư chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư; phần cuối thư là những thông điệp được người viết gửi gắm, có lời chào tạm biệt và ký tên người viết.
Các em học sinh không viết bức thư dài quá 800 từ, luôn ghi đầy đủ địa chỉ của mình ở góc trên cùng bên trái của bức thư và lưu ý không viết tên hay địa chỉ của mình (tức là không viết thông tin cá nhân) trong phần nội dung bức thư.
Trước khi gửi đi, bức thư của các thí sinh phải được cho vào phong bì, dán tem bưu chính và ghi số hiệu 11611 ngoài phong bì, đây là mã bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, nơi nhận những bức thư dự thi viết thư UPU lần thứ 53.
Ban giám khảo cuộc thi cũng đưa ra lời khuyên, các em học sinh hãy viết bức thư của mình bằng những câu văn rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc; nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu khô khan, liệt kê hay kể lể chung chung. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc.
Một bức thư tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU không phải là bức thư thông thường, mà là một bức thư văn học, một bức thư có sự sáng tạo và cảm xúc để tạo nên sự khác biệt. Là tác giả của bức thư, các em học sinh phải chủ động trong cách trình bày suy nghĩ, cảm xúc của mình và diễn đạt vấn đề một cách thuyết phục. “Những bài đoạt giải cao thường là những bức thư làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu mà còn bởi những cảm xúc chân thành được người viết thể hiện”, đại diện Ban giám khảo cho biết thêm.