Vì sao bảo hiểm liên kết đơn vị hút khách?
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm xấp xỉ 22% số lượng hợp đồng khai thác mới trong năm 2022, tăng 57,2% so với năm 2021.
Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam - nhận định: “Người dùng ngày nay khi tham gia các gói bảo hiểm không chỉ có nhu cầu được bảo vệ hay tích lũy, mà còn mong muốn gia tăng tài sản qua hình thức đầu tư. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị giúp đáp ứng nhu cầu này sẽ ngày càng phổ biến với nhiều người”.
Một số sản phẩm trên thị trường hiện nay còn liên kết với các quỹ thời gian mục tiêu được thiết kế cho từng thời điểm rút tiền, ứng với từng mục tiêu tài chính trong tương lai. Các quỹ này tận dụng khả năng sinh lời cao từ tài sản cổ phiếu, đồng thời giảm thiểu rủi ro qua các năm bằng cách điều chỉnh lại tỷ lệ danh mục đầu tư dần sang trái phiếu và công cụ tiền tệ.
Bảo hiểm liên kết đơn vị là loại hình bảo hiểm nhân thọ đặc biệt, cho phép khách hàng vừa được bảo vệ, vừa có lợi ích đầu tư trong cùng một hợp đồng bảo hiểm. Trong đó, sau khi trừ đi phí ban đầu, chi phí quản lý và phí bảo hiểm rủi ro, khoản phí còn lại được doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đầu tư theo quy định của pháp luật và những quy trình quản lý đầu tư chặt chẽ của doanh nghiệp bảo hiểm.
Yếu tố dài hạn trong đầu tư bảo hiểm liên kết đơn vị
Bảo hiểm liên kết đơn vị là một trong những hình thức đầu tư đi kèm quyền lợi bảo hiểm cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư không may bệnh tật, tai nạn, tử vong thì có thể nhận một khoản đền bù lên đến 100 lần so với số tiền ủy thác hàng năm.
Theo ông Ngô Trung Dũng, bảo hiểm liên kết đơn vị được thiết kế riêng cho các đối tượng với nguồn vốn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính. Việc ủy thác cho các chuyên gia tài chính của quỹ đầu tư sẽ hạn chế rủi ro thua lỗ so với việc các cá nhân trực tiếp đầu tư chứng khoán và tăng tỷ suất sinh lời đáng kể trong dài hạn, theo thống kê tỷ suất đầu tư của các quỹ liên kết công ty bảo hiểm từ năm 2016.
Lựa chọn các quỹ liên kết đơn vị phân bổ nhiều vào cổ phiếu và có tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng cao, nhà đầu tư cần sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro tương ứng khi thị trường đi xuống. Bù lại, nếu mức độ chấp nhận rủi ro thấp, nhà đầu tư có thể ưu tiên các quỹ phân bổ tài sản cho trái phiếu và tiền gửi với mức lợi nhuận kỳ vọng thấp và ổn định hơn.
Tương lai của bảo hiểm liên kết đơn vị
Trong bối cảnh thị trường tài chính có dấu hiệu suy giảm như hiện nay, nhiều khách hàng lo lắng và mong muốn rút tiền khỏi các kênh đầu tư, trong đó có các hoạt động rút tiền hoặc ngưng đóng phí bảo hiểm liên kết đơn vị. Trước thực tế này, ông Dũng đã đưa ra một số lời khuyên cho những người đang sở hữu sản phẩm bảo hiểm liên kết.
“Việc hoảng loạn và chấm dứt hay trì hoãn các hợp đồng bảo hiểm hiện hữu sẽ khiến bản thân và những người được bảo hiểm mất đi quyền lợi bảo vệ lẫn khoản tiền phí bị trừ vào việc phân bổ cho hoạt động bảo hiểm. Đây sẽ là tổn thất cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong khi với bối cảnh hiện nay, việc có một công cụ phòng vệ rất cần thiết”, ông Ngô Trung Dũng nhận định.
Theo ông Dũng, cũng cần hiểu rằng, nếu hủy hợp đồng bảo hiểm trước thời gian đáo hạn, công ty bảo hiểm sẽ không thể hoàn lại toàn bô số phí đã đóng ban đầu cho khách hàng, mà chỉ có thể hoàn lại giá trị tài khoản tính đến thời điểm thực hiện yêu cầu hủy hợp đồng.
“Bức tranh kinh tế Việt Nam và thị trường tài chính về dài hạn vẫn được đánh giá tích cực. Đây là cơ hội khi các nhà đầu tư có thể mua vào các tài sản đầu tư ở mức giá thấp, hấp dẫn để sau đó nhận được mức tăng trưởng cao trong những năm tới,” ông Dũng cho biết.
Doãn Phong