Rau của quả có rất nhiều loại, đa dạng, lành tính lại mát và thanh nhiệt cho cơ thể hiệu quả. Các món canh đơn giản có thể nấu với nhiều loại nguyên liệu như tôm, cua, thịt cùng rau mồng tơi, rau ngót, rau dền, rau đay, rau muống, rau cải. Bạn cũng có thể nấu các loại củ như củ cải, cà rốt, khoai tây, củ dền, súp lơ, bầu bí. Nguyên liệu rất rẻ tiền và sẵn có ở các vùng miền.
Dưới đây là gợi y các món canh rau thanh nhiệt, giải độc, tốt cho sức khỏe:
Canh củ cải: Củ cải trắng còn được gọi là “nhân sâm mùa đông”, có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng ngăn ngừa ung thư, tăng cường miễn dịch, giảm viêm và cải thiện tiêu hóa. Ngoài ra, củ cải còn giúp giải độc cơ thể, cải thiện hô hấp và hỗ trợ giảm cân. Ngoài nguyên liệu chính là củ cải, món canh này còn có thêm thịt, rau mùigiúp món canh thêm bổ dưỡng, thanh lọc cơ thể.
Tuy nhiên, khi chế biến bạn cần lưu ý, canh củ cải không nên nấu chung với cà rốt, táo, lê, nho, nhân sâm, mộc nhĩ, nấm. Củ cải trắng còn làm giảm tác dụng của thuốc Bắc khi dùng chung. Phụ nữ mang thai mỗi tuần chỉ ăn 1-2 bữa canh củ cải, tuyệt đối không ăn củ cải sống.
Canh bí đao: Bí đao hay còn gọi bí xanh, bạn có thể chế biến bằng cách luộc, nấu nước sâm hoặc nấu canh tôm, thịt bằm.
Bí đao có vị ngọt, tính hàn, món canh bí đao không chỉ là món ăn giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt mà còn có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù thũng, làm mát ruột, tiêu khát. Kết hợp thêm tôm, thịt giàu đạm giúp món canh thêm bổ dưỡng. Bí đao tốt cho cả người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ. Bạn chỉ lưu ý không nên ăn quá mặn.
Canh rau dền: Đây là món ăn có màu sắc bắt mắt, vừa ngon lại giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, mát gan. Theo quan niệm của Đông y, rau dền có vị ngọt, mát, đồng thời chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, có tác dụng ổn định đường huyết, kháng viêm và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn ngừa loãng xương, giảm cholesterol máu.
Với những người có tính hàn hoặc phụ nữ mang thai, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sỏi thận thì không nên dùng. Bạn không nên ăn sống rau dền để tránh bị ngộ độc hay hâm canh lại nhiều lần. Hành động này khiến Nitrat trong lá sẽ chuyển thành Nitrit làm tăng nguy cơ gây ung thư, không tốt cho trẻ em.
Canh khổ qua (mướp đắng): Vị đắng trong trái khổ qua chính là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt rất hiệu quả. Khổ qua có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm béo bụng, tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ thị lực, hạ huyết áp, giảm loét dạ dày. Món canh này tương đối dễ nấu mà lại chứa nhiều chất dinh dưỡng, là món canh giải nhiệt, mát và bổ dưỡng, giúp thanh nhiệt giải độc vô cùng hiệu quả trong những ngày nắng nóng.
Cách nấu bạn bỏ sạch ruột, sử dụng trái khổ qua là phần vỏ, phần nhân gồm thịt xay (có thể thay bằng cá thác lác, giò sống) trộn với nấm mèo, nấm hương. Gia vị nêm nếm phù hợp. Khi nấu, bạn hầm mềm là ăn được.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên ăn quá nhiều khổ qua. Phụ nữ có thai cũng không được ăn canh khổ qua vì có thể gây co thắt tử cung, dọa sinh non.
Ngoài việc lựa chọn các món ăn thanh đạm giúp thanh lọc cơ thể, chúng ta cần ngủ đủ giấc, uống đủ nước và có biện pháp thư giãn tinh thần, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM)
Chuyên gia dinh dưỡng Nhật chia sẻ 5 thực phẩm trường thọ