1. Làng Nghịch Thủy
Tờ Sohu đưa tin, làng Nghịch Thủy (thuộc thành phố Tiềm Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc) có 985 hộ gia đình và 3326 nhân khẩu. Nơi đây được mệnh danh là "ngôi làng học thức nhất Trung Quốc" vì có 29 tiến sĩ, 50 thạc sĩ, hơn 3000 cử nhân.
Phần lớn các gia đình trong làng đều có con học đại học hoặc làm tiến sĩ, thạc sĩ. "Hai con tôi là nghiên cứu sinh, em tôi là tiến sĩ, cháu gái tôi cũng là bác sĩ", một người dân trong làng tự hào nói.
Ông Phương Quốc Thắng - trưởng làng Nghịch Thủy - cho biết các gia đình đều coi trọng tri thức, dù khó khăn đến mấy họ cũng tìm mọi cách cho con đi học. Do đó, kinh tế của làng này không phát triển, nhiều người chọn cách đi lính hoặc học tập thật tốt để đến thành phố lớn sinh sống.
Để khuyến khích tinh thần học tập, quỹ khuyến học của làng Nghịch Thủy đã hỗ trợ học phí cho những hoàn cảnh khó khăn, tránh tình trạng trẻ bỏ học vì thiếu tiền. Điều này, giải quyết được bài toán gánh nặng về kinh tế cho nhiều gia đình nghèo.
Theo ông Từ Hạo Xuyên - bí thư chi bộ làng cho biết, mỗi năm các doanh nghiệp sẽ chi hàng trăm nghìn nhân dân tệ học phí cho những trẻ em có tinh thần hiếu học. Ngoài ra, nhà trường cũng đặt ra các mức khen thưởng đặc biệt cho học sinh đỗ đại học hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia.
Hiện nay, các nhân tài của làng Nghịch Thủy đều thành đạt, có chỗ đứng trong xã hội.
2. Làng An Trang
Cũng giống làng Nghịch Thủy, ngôi làng An Trang (thuộc thị trấn Hoài, huyện Hiến, thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) có đến 8 tiến sĩ và 20 thạc sĩ, 130 cử nhân mặc dù dân số chưa đến 2000 nhân khẩu.
Theo Sina, làng An Trang còn xây dựng cả một bức tường "sinh viên giỏi" để tôn vinh những "học bá". Thậm chí, trong thời gian gần đây ngôi làng này đã trở thành địa điểm chụp ảnh và tham quan của nhiều người Trung Quốc.
Ông Triệu Tùng Lợi - một người dân trong làng An Trang chỉ vào bức tường "học bá" tự hào nói: “Làng chúng tôi không thi đua kinh tế mà thi đua xem nhà ai coi trọng giáo dục hơn".
Một trong những gia đình tiêu biểu của làng An Trang là nhà ông An Trạch Hồ. Gia đình này có 4 người con, con trai cả là tiến sĩ tại Đại học Nam Khai. Những người con sau của ông cũng lần lượt thi đỗ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Bắc, Đại học Khoa học Hoa Trung, Học viện Kinh tế Thạch Gia Trang.
Một gia đình khác là nhà ông An Trạch Diệu có 2 con là thạc sĩ. Con trai lớn tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, con trai thứ tốt nghiệp Đại học Paris (Pháp).
Chia sẻ về ngôi làng ít người nhưng nhiều nhân tài, ông Lưu Mặc Mẫn cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ khích lệ được nhiều trẻ em nỗ lực thành tài hơn".
Ông mong mỏi, sau khi những người trong làng An Trang đỗ vào đại học và tìm được công việc tốt thì họ sẽ trở về xây dựng quê hương.
Thậm chí, ngôi làng còn ra một chính sách giáo dục mới là sẽ trao phần thưởng từ 3.000-10.000 NDT (10 - 34 triệu đồng) cho những người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ và những sinh viên được nhận vào các trường đại học top đầu.
Là một trong những ngôi làng hiếu học, có thành tích tốt, hầu hết những gia đình trong làng An Trang đều cố gắng để cho con ăn học. Trẻ con của ngôi làng này không quan trọng chuyện ăn mặc, chỉ thi đua học hành.
"Chính vì tinh thần này, làng của chúng tôi đã trở thành làng hiếu học", thầy Lưu Mặc Niên, công tác ở trường tiểu học An Trang hơn 20 năm, chia sẻ.
An Dương