Tuy mới chỉ vừa mới ra mắt vào tối ngày mùng 6/9, nhưng tựa game di động Việt "Còi to cho vượt" đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo cư dân mạng, nhờ vào việc đã tái hiện một cách chân thực nhưng không kém phần hóm hỉnh những tình huống thường gặp khi tham gia giao thông trên đường phố Việt Nam.
Hãy cùng chúng tôi tham gia vào một cuộc trò chuyện ngắn với những người đứng đằng sau tựa game đáng chú ý này nhé.
Được biết công việc chính của nhóm Phong Dương Comics các anh là tạo ra các tác phẩm truyện tranh, thế nhưng vì lý do gì mà hai anh lại chuyển hướng sang sản xuất game di động?
Nhóm mình có niềm đam mê với các sản phẩm giải trí độc lập, vậy nên sản xuất một tựa game Indie cũng là mong muốn của nhóm. Suy cho cùng thì game, hay truyện tranh, phim hoạt hình cũng đều có điểm chung là sử dụng hình ảnh để kể lại một câu chuyện. Vậy nên nếu có cơ hội thì nhóm mình luôn sẵn sàng thử sức với tất cả các hình thức kể chuyện nói trên.
Khi chuyển từ làm truyện tranh sang sản xuất game thì nhóm có những thuận lợi và khó khăn gì?
Đây là sản phẩm game đầu tay của cả nhóm, và hầu hết các thành viên tham gia vào dự án đều chưa có kinh nghiệm làm game bao giờ. Điều này đối với nhóm sản xuất vừa là khó khăn, nhưng cũng đồng thời là thuận lợi. Khó khăn là bởi trong quá trình làm game xuất hiện nhiều tình huống, nhiều sự cố xảy ra mà nhóm chưa có được kinh nghiệm để đối phó và giải quyết. Nhưng chính việc chưa từng làm game bao giờ cũng đồng thời là thuận lợi đối với bọn mình, bởi nhờ vậy mà nhóm không hề bị bó buộc bởi các tiêu chuẩn, phong cách cũng như xu hướng thiết kế game hiện tại. Do đó nhóm có thể tự do lựa chọn nhiều hình thức, phương án thể hiện khác nhau, cũng như có thể quan sát kết quả thu được từ phản ứng từ độc giả một cách thuận lợi hơn.
Điều gì đã đưa các anh đến với ý tưởng về một tựa game "sinh tồn trên xa lộ Việt" như vậy?
Từ năm 2013, bên mình đã tham gia cùng với dự án "K0 Còi" của Ford Việt Nam; với bộ tranh "K0 Còi" của dự án do Thành Phong thực hiện. Năm ngoái nhóm bọn mình đã phối hợp với dự án tổ chức một cuộc thi vẽ truyện tranh về an toàn giao thông; nhìn chung cũng được cộng đồng hết sức quan tâm đón nhận. Nhưng đến năm nay, mấy anh em trong nhóm quyết định sẽ thực hiện một cái gì đó mới hơn, lạ hơn, độc đáo hơn.
Sau nhiều lần lên ý tưởng, bọn mình nhận thấy việc tham gia giao thông ở Việt Nam mình rất lạ, khi mà có khá nhiều phương tiện giao thông thay vì đi đúng luật và chấp hành hiệu lệnh thì lại đi không theo một quy tắc nào cả.
Chỉ chưa đầy một ngày sau khi game ra mắt, "Còi to cho vượt" đã thu được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ của mọi người. Với tư cách là cha đẻ của trò chơi, các anh cảm thấy như thế nào?
Bọn mình cảm thấy khá bất ngờ trước sự ủng hộ của mọi người. Nói thật là khi tung ra tựa game này vào tối 6/9, bên mình cũng muốn quan sát phản ứng của người chơi trên diện rộng để thu được phản hồi, từ đó tối ưu game hơn nữa; bởi bọn mình biết rằng sản phẩm game đầu tay sẽ không thể nào hoàn hảo được. Và chính sự đón nhận hết sức nồng nhiệt của mọi người, cũng như mức độ lan tỏa của tựa game đã khiến bọn mình phải thức trắng đêm để ghi nhận lỗi và chỉnh sửa, từ đó có thể tung ra những bản cập nhật vá lỗi sớm nhất có thể.
Hai anh có thể chia sẻ thêm một chút về những dự định sắp tới của nhóm được không?
Sắp tới bọn mình sẽ quay lại hoàn thành tập 4 của dự án truyện tranh Long Thần Tướng. Tập truyện này đã khiến các thành viên của nhóm mất khá nhiều thời gian vì phải chỉnh sửa rất nhiều. Đó cũng chính là lý do khiến tập truyện này đến nay vẫn chưa thể ra mắt độc giả, mặc dù tập 3 đã được phát hành từ năm ngoái.
Cảm ơn các anh đã dành thời gian chia sẻ, và chúc các anh tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!
Phong Dương Comics là nhóm vẽ truyện tranh Việt Nam gồm 2 thành viên chính là Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Khánh Dương. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2004, nhóm vẽ đã có nhiều tác phẩm được in trên các tạp chí nổi tiếng thời bấy giờ như Truyện Tranh Trẻ, Hoa Học Trò, Truyện Tranh Việt... Các tác phẩm tiêu biểu của nhóm: Orange, Sát thủ đầu mưng mủ, Phê như con tê tê, Long Thần Tướng.
Theo GenK