Chúng tôi đến nhà Võ Nhật Lam ở một chung cư trên đường Nguyễn Xí (phường 26, Bình Thạnh, TP.HCM). Tại căn chung cư nhỏ này, Lam chia sẻ về quãng đường lên thành phố học tập, mưu sinh không hề dễ dàng của mình.
Trước khi vào học tập và sinh sống tại TP.HCM, Lam ở cùng gia đình ngoại tại thôn Vạn Thiện (phường Ninh Đa, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa). Lam kể em mất mẹ từ năm chưa đầy 2 tuổi. Mẹ qua đời vì căn bệnh ung thư phổi khi tuổi đời vừa tròn 27. Trước khi mất, sợ Lam và người chị hơn Lam 2 tuổi sẽ khổ, người mẹ đã nhờ bà ngoại thay bà nuôi 2 chị em Lam. Tuổi thơ Lam lớn lên trong vòng tay ngoại.
“Kinh tế không dư giả nhưng ngoại vẫn cố gắng nuôi chúng em lớn lên từng ngày. Bà ngoại làm đầu bếp cho một trường mầm non, ông ngoại là viên chức. Thu nhập vốn chỉ đủ cho ông bà trang trải hàng ngày, giờ phải lo thêm 2 cháu...
Em không thể quên những bữa ăn ông bà dành phần ngon nhất cho các cháu. Nhìn ông bà qua loa cho xong bữa, em buồn lắm nhưng không biết phải làm sao để cải thiện được cuộc sống”, Lam nói.
Cuộc sống của Lam cứ thế kéo dài hết tiểu học rồi đến trung học. Chương trình học ngày càng khó. Nhiều môn học, bạn bè có điều kiện học thêm còn Lam, chỉ vỏn vẹn học ở trường rồi về nhà mày mò tìm kiếm thêm tài liệu để đọc.
Ngày tốt nghiệp cấp 3, trái với các bạn băn khoăn chọn trường, Lam lại thường trực với nỗi lo: Làm sao để học lên đại học?
“Thôi thì cứ đi thi rồi đến đâu hay đến đó”, em tự nhủ vậy và nộp đơn thi vào trường Đại học Ngoại thương TP.HCM. Em thi đỗ nhưng ngày đến trường thật mờ mịt…”, Lam nói.
Lam đỗ đại học cả nhà ai cũng vui nhưng bên cạnh niềm vui là nỗi lo âu. Làm sao có tiền để cho Lam bước vào cổng trường đại học? Chi phí cho một năm học không phải ít, bên cạnh đó còn tiền sinh hoạt phí - số tiền vượt khả năng của người cưu mang Lam.
Trong lúc đang phân vân lo nghĩ, một tin vui đến với Lam. Bà Phương Hiền (TP.HCM), quỹ học bổng Ninh Hòa sẽ tài trợ cho Lam toàn bộ tiền học 20 triệu/năm trong suốt 4 năm và 3 triệu sinh hoạt phí cho mỗi tháng. Quỹ được xây dựng từ năm 2004 bởi những tấm lòng nhân ái nhằm giúp đỡ những học sinh, sinh viên của quê hương Ninh Hòa có hoàn cảnh khó khăn.
Lam cảm giác như “người chết đuối vớ được chiếc phao”, tự tin bước vào trường như bao sinh viên khác.
Không chỉ vậy, nữ sinh nghèo laptop còn được tặng laptop để phục vụ việc học. “Chiếc laptop này theo em suốt 4 năm học. Hiện giờ vẫn còn tốt và em sẽ giữ nó như giữ một kỷ niệm ân tình không thể quên”.
Suốt thời gian học đại học, nhờ có học bổng và sinh hoạt phí, Lam đã tự chủ được cuộc sống. Lam cũng cố gắng đi dạy thêm để có thêm thu nhập. Nhờ vậy nữ sinh Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM có thêm nhiều trải nghiệm quý giá.
Ngày cầm tấm bằng cử nhân Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, nữ sinh nghẹn ngào: “Nếu không có sự giúp đỡ này em không thể viết được ước mơ của mình”.
Sau tốt nghiệp, nữ cử nhân tham dự cuộc thi tuyển nhân viên của một tập đoàn lớn và được nhận vào vị trí nhân viên phòng tài chính với mức lương nhiều người mơ ước.
Câu chuyện của Lam là một trong số nhiều câu chuyện của những học sinh, sinh viên được hỗ trợ bởi quỹ học bổng Ninh Hòa. Ngày 10/9 vừa qua, quỹ tổ chức phát học bổng lần thứ 20. Có mặt trên sân khấu, Lam cũng xin trao lại một phong bì - trong đó chứa đựng ân tình của Lam chuyển đến các thế hệ sau…
Lam nói, em đã nhận được nhiều ân tình và hiện em muốn chia sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn như em đã từng…
Trần Chánh Nghĩa