Năm 2007, ông Ngô Đoan Thanh (ngụ thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) xây dựng nhà dưỡng lão Đức Thọ trên phần đất của gia đình. Với phần đất rộng 1,5ha, ông Thanh phải chi hơn 4 tỷ đồng, tương đường 400 lượng vàng lúc bấy giờ để xây dựng mái ấm cho người già neo đơn.
Sau hai năm xây dựng, mái ấm Đức Thọ chính thức hoạt động. Một năm sau, ông Ngô Đoan Thanh qua đời, để lại di nguyện cho người con trai tiếp tục kế thừa, duy trì việc thiện nguyện mà ông dành cả đời để xây dựng lên giúp người.
Con của ông Thanh sau đó đã thực hiện di nguyện của cha, cùng người dân địa phương chung tấm lòng thiện nguyện duy trì nhà dưỡng lão Đức Thọ cho đến nay.
Ông Nguyễn Trung Khánh (60 tuổi), Trưởng ban quản lý nhà dưỡng lão Đức Thọ cho biết: “Lý tưởng, việc làm của ông Thanh quá cao cả. Tiếc là ông qua đời sau cơn bạo bệnh, để lại mái ấm tình thương này. Chúng tôi tự thấy phải có trách nhiệm để chung tay duy trì làm việc thiện”.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà dưỡng lão Đức Thọ đã cưu mang hơn 200 cụ già. Mỗi cụ đều có hoàn cảnh và nỗi niềm riêng trong cuộc sống.
Ông Khánh cho biết, hiện tại nhà dưỡng lão đang cưu mang 20 cụ từ 60 - 90 tuổi. Những ngày đầu đến đây, tâm trạng các cụ buồn bã, ít nói chuyện, ít tiếp xúc với những người xung quanh. Lấy tình thương làm trách nhiệm, các tình nguyện viên tại đây đã động viên, giúp đỡ, chia sẻ, giúp các cụ lạc quan, vui vẻ trở lại, biến ngôi nhà thành một nơi của tình nhân ái.
Ở tuổi 93, cụ Phạm Thị Lan (Hà Nội) lại có hành động nhân ái khác, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cụ Lan đã hiến mái tóc được nuôi dưỡng suốt 70 năm cho bệnh nhân ung thư.
Theo lời kể của chị Đỗ Tuyết Minh (34 tuổi), cháu ngoại của cụ, cụ Lan rất trân quý bộ tóc. Suốt 93 năm, cụ mới chỉ cắt tóc 2 đến 3 lần. Nhiều năm, cụ đều tự mình gội đầu và chăm sóc tóc bằng bồ kết tự nhiên, chưa từng dùng hóa chất nên mái tóc lúc nào cũng óng mượt. Tuy nhiên, từ năm 70 tuổi, do bị ngã, không thể đi lại được, cụ được các cháu thay nhau gội đầu, chăm sóc sức khỏe cho cụ.
Thấy bà ngoại đau chân, đi lại khó khăn với bộ tóc dài gần đến gót, các cháu thường động viên bà cắt tóc. Lúc đó cụ Lan cũng nghĩ đến việc cắt tóc để bán hoặc giữ làm kỉ niệm.
Nhờ một người đồng nghiệp, chị Minh biết đến chương trình hiến tóc từ thiện cho bệnh nhân ung thư của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV). Chị động viên ngoại cắt tóc để hiến tặng.
Ban đầu, cụ Lan còn lưỡng lự nhưng khi được cháu kể cho nghe câu chuyện về những bệnh nhân ung thư, họ cần tóc sau các đợt xạ trị, cụ Lan vui vẻ đồng ý.
Trước khi cắt tóc để trao tặng vào đầu tháng 7 vừa qua, cháu ngoại hỗ trợ cụ gội đầu, làm tóc thật mượt rồi cắt, gửi qua đường bưu điện đến BCNV.
Bộ tóc của cụ dài hơn 50cm, mượt óng. Sau khi nhận, đại diện phía BCNV còn cẩn thận tết tóc lại rồi chụp ảnh gửi cho người nhà kèm lời cảm ơn.
Bị mất trộm 3 con chó cảnh, anh Đỗ Minh Khôi (46 tuổi, Nha Trang, Khánh Hòa) cùng người con trai nuôi chia nhau đi tìm. Ngày 27/7, con trai anh đến một lò mổ ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) để tìm thì nhìn thấy 31 con chó bị nhốt trong lồng sắt, sắp bị giết mổ.
Anh Khôi kể: “Cháu thấy thương chúng quá nên gọi báo cho tôi đến chuộc. Lên đến nơi, nhìn thấy cảnh những chú chó mệt lả, nằm im bên cạnh dụng cụ giết mổ, tôi như chết lặng. Nhiều con mắt ươn ướt như rớm lệ càng khiến lòng tôi quặn thắt”.
Lúc đó, anh Khôi rất sợ chúng bị giết. Thế nên, anh quyết định mua lại hết 31 chú chó ngay tại lò mổ.
Ban đầu, chủ lò mổ đồng ý cho anh Khôi chuộc lại số chó trên với giá 20 triệu đồng. Tuy nhiên, khi anh cho xe đến chở đàn chó về, người này lại đổi ý, yêu cầu anh Khôi đưa thêm 4 triệu đồng.
Vì muốn đưa đàn chó ra khỏi lò mổ càng sớm càng tốt, anh Khôi đồng ý “chồng thêm” 4 triệu đồng. Tổng cộng, anh phải bỏ ra 24 triệu đồng để chuộc lại 31 con chó.
Ngay sau khi giải cứu, anh chở đàn chó về nhà riêng của mình để chăm sóc. Sau đó, anh Khôi đưa thông tin mình vừa giải cứu các chú chó lên mạng xã hội với mục đích chủ những chú chó này sẽ biết tin, đến nhận lại thú cưng. Anh Khôi không ngờ việc làm đơn giản này lại chạm đến trái tim của cộng đồng.
Một hành động giản dị khác của chàng trai Nguyễn Thế Nhân (18 tuổi, TP.HCM) cũng nhận được sự tán thưởng của cộng đồng.
Thế Nhân là chàng nam sinh ôm cây đàn guitar, hát ca khúc cách mạng giữa nghĩa trang liệt sĩ được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội.
Thế Nhân bắt đầu hát những ca khúc ở nghĩa trang để tri ân các anh hùng liệt sĩ từ năm 2021. Song đến tháng 4/2022, cậu mới bắt đầu đăng tải những clip của bản thân lên mạng xã hội và được nhiều người đón nhận.
Chàng trai chia sẻ: “Mình rất vui khi biết những clip của mình nhận được nhiều phản hồi tích cực đến thế. Thông qua đó, mình muốn lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ tuổi trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc và ghi nhớ công ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình hiện tại”.
Cũng theo Nhân, trước khi vào hát tại nghĩa trang liệt sĩ, Thế Nhân phải được người trông coi nghĩa trang đồng ý. Sau đó, cậu bạn sẽ thắp những nén nhang để xin phép các anh hùng liệt sĩ, sau đó mới dám ngân vang các ca khúc tri ân.
Mỗi buổi hát ở nghĩa trang của Nhân thường kéo dài 2-3 tiếng. Anh chàng luôn cố gắng ăn mặc nghiêm trang, hạn chế cười đùa nhất có thể. Trong một năm, Nhân thường hát tri ân các liệt sĩ vào những dịp lễ quan trọng như ngày 30/4, 27/7 và sắp tới là ngày 22/12.
Vịnh Nhi (tổng hợp)