Ban đầu, người dân địa phương thường trèo lên các vách đá dựng đứng và đặt quan tài người thân qua đời tại đó. Về sau họ còn dùng kỹ năng leo núi để thu lượm phân động vật về làm phân bón và để lấy các loại thảo mộc về làm thuốc y dược.
Do ngày càng có nhiều người Trung Quốc ưa dùng Tây y, những người leo núi không còn kiếm được nhiều tiền từ việc bán thảo dược nữa.
Thay vào đó, họ được các cơ quan quản lý du lịch địa phương thuê để biểu diễn tiết mục leo núi không cần dây cho du khách xem. Nghề mới giúp dân làng kiếm tiền đủ sống mà không phải tìm đến các đô thị tìm việc làm.
Lưu Đăng Bình là người trẻ nhất và cũng là nữ nhân duy nhất ở Quý Châu có khả năng này. Cha của Đăng Bình là một nhà leo núi xuất sắc, người đã dạy cô các kỹ năng leo núi. “Hồi nhỏ tôi rất mê môn thể thao này, mỗi lần thấy bố tập tôi lại năn nỉ ông dạy nhưng ông không chịu, cho đến một lần ông phát hiện tôi lén leo lên vách đá theo bước ông. Thật mạo hiểm khi chúng tôi chỉ leo bằng tay và đó là lý do tại sao cha tôi không muốn dạy tôi lúc đầu. Môn thể thao này cần sự can đảm và mỗi khi chúng tôi leo lên, chúng tôi phải đánh giá môi trường xung quanh và tình trạng cơ thể của mình", cô cho biết.
Leo núi tay không cần sự can đảm. Đây là lời khuyên quan trọng mà Đăng Bình học được từ cha mình.
Ngoài Đăng Bình, năm 'người nhện' khác cũng được thuê. Họ biểu diễn trong một hang động có hàng vạn con én làm tổ. Đầu tiên, họ cần chèo một chiếc bè tre vào hang. Sau đó, họ trèo lên những bức tường đá ở độ cao khoảng 100 mét. Rồi quay trở lại điểm xuất phát. Toàn bộ quá trình mất không quá 20 phút.
Tổng hợp