Titanic, con tàu từng được coi là “không thể chìm” vào thời điểm đó, đã đâm vào một tảng băng trôi ở Đại Tây Dương trong chuyến đi đầu tiên và chìm xuống đáy biển, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.
Dù số nạn nhân tử vong trong thảm kịch là rất lớn, nhưng các nguồn thống kê chính thức cũng cho thấy khoảng 710 người đã tìm được cách thoát khỏi du thuyền và được các tàu khác cứu sống.
Dưới đây là một số trường hợp đã sống sót diệu kỳ trong vụ đắm tàu huyền thoại, theo thống kê của trang History:
Margaret ‘Molly’ Brown
Margaret Brown, còn được biết đến với biệt danh 'Molly Brown không thể chìm', là nhà hoạt động xã hội và nhà từ thiện người Mỹ. Bà đã được ghi danh vào lịch sử như một trong những phụ nữ đầu tiên tranh cử vào một chức vụ chính trị ở Mỹ, nhiều năm trước khi phụ nữ giành được quyền bầu cử tại đất nước này.
Khi đang đi du lịch ở châu Âu năm 1912, bà Brown nhận được tin cháu trai bị ốm và nhanh chóng đặt vé trên chuyến tàu biển sớm nhất có thể lúc đó – tàu Titanic để trở về New York. Bà lên tàu tại Cherbourg, Pháp.
Khi thảm họa xảy ra, phụ nữ và trẻ em được ưu tiên lên xuồng cứu sinh trước, nhưng bà Brown đã chọn ở lại trên tàu Titanic và hỗ trợ những người khác rời đi. Chỉ đến khi một thủy thủ đoàn ép bà lên xuồng cứu sinh số 6, bà mới miễn cưỡng rời khỏi con tàu.
Lúc trên xuồng cứu sinh, bà Brown đã có cuộc đối đầu nảy lửa với sĩ quan chỉ huy Robert Hichens. Bà Brown đã khẩn cầu ông Hichens cho xuồng quay lại và giải cứu bất kỳ người sống sót nào dưới biển, thậm chí đe dọa sẽ đẩy ông xuống nước nếu ông từ chối.
Mặc dù không rõ liệu nhà hoạt động Mỹ có thành công trong việc đưa xuồng cứu sinh quay trở lại hay không, nhưng bà đã thuyết phục ông Hichens cho phép những người phụ nữ trên xuồng được cầm chèo. Điều này giúp họ được giữ ấm giữa làn nước lạnh giá.
Sau thảm kịch, bà Brown cống hiến hết mình cho hoạt động xã hội, trở thành nhân vật nổi bật ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ và quyền của người lao động tại xứ sở cờ hoa. Nhân vật lấy nguyên mẫu từ bà Brown đã được xây dựng thành bất tử trong bộ phim Titanic lừng danh năm 1997 của đạo diễn James Cameron. Thực tế, bà Brown qua đời ở New York vì bệnh u não vào ngày 26/10/1932, lúc 65 tuổi.
Charles Joughin
Charles Joughin là trưởng nhóm thợ làm bánh, giàu kinh nghiệm và từng phục vụ trên tàu Olympic trước khi làm việc trên du thuyền Titanic. Trong chuyến đi định mệnh, ông phụ trách một nhóm 13 thợ làm bánh và là một trong những thành viên thủy thủ đoàn được trả lương cao nhất, với thu nhập hàng tháng tương đương 12 Bảng Anh.
Joughin sau đó kể rằng, ông đã hết ca làm việc khi tai nạn xảy ra, nhưng vẫn gửi cho những người thợ trong nhóm của mình 50 ổ bánh mì để phân phát cho các xuồng cứu sinh trước khi trở về phòng để uống rượu. Ông quay trở lại boong tàu một lần nữa để đến chỗ xuồng cứu sinh được chỉ định dành cho mình ở mạn trái tàu. Tại đây, ông hỗ trợ đưa các phụ nữ và trẻ em lên xuồng, rồi quay trở lại phòng của mình để uống thêm một ly rượu mạnh, trước khi quay trở lại boong tàu.
Khi thấy tất cả các xuồng cứu sinh khác đã khởi hành, ông tìm mọi cách đến mạn phải của boong tàu, cố bám vào lan can bên ngoài. Khi con tàu lao xuống vùng nước băng giá, ông cố gắng trồi lên trên mặt nước và cuối cùng được xuồng cứu sinh B vớt vào lúc rạng sáng hôm sau.
Điều phi thường là Joughin không hề bị thương sau hàng tiếng ngâm mình trong nước lạnh. Rượu được tin đã góp phần giúp ông sống sót, vì thứ đồ uống này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và có khả năng cung cấp một số chất chống lại tình trạng hạ thân nhiệt.
Bất chấp trải nghiệm đau thương, Joughin vẫn tiếp tục làm việc trên tàu biển thêm vài năm nữa trước khi nghỉ hưu. Ông qua đời vào ngày 9/12/1956, hưởng thọ 78 tuổi.
Violet Jessop
Violet Jessop, một nữ tiếp viên người Ireland gốc Argentina, có mối liên hệ đặc biệt với các thảm họa hàng hải. Cô từng phục vụ trên tàu Olympic khi nó va chạm với tàu Hawke vào năm 1911. Cô miễn cưỡng gia nhập đội ngũ nhân viên của tàu Titanic vào năm 1912, lúc 24 tuổi sau khi được bạn bè thuyết phục rằng đó sẽ là một trải nghiệm độc đáo.
Ngay sau khi tàu Titanic va vào tảng băng trôi ở Đại Tây Dương, Jessop đã hỗ trợ việc sơ tán hành khách bằng cách đưa phụ nữ và trẻ em lên xuồng cứu hộ. Cô cũng được giao nhiệm vụ chăm sóc một em bé. Cô lên xuồng cứu sinh số 16 và được tàu Carpathia cứu vào sáng hôm sau.
Vài năm sau, khi đang là y tá của Hội Chữ thập đỏ Anh, cô được điều động làm việc trên tàu bệnh viện Britannic, con tàu chị em của cả Titanic và Olympic. Vào ngày 21/11/1916, tàu Britannic đâm trúng một quả thủy lôi và bắt đầu chìm. Khoảng 1.000 người đã được cứu, trong đó có Jessop, nhưng sự cố vẫn cướp đi sinh mạng của 30 nạn nhân.
Jessop qua đời vì bệnh suy tim vào năm 1971, hưởng thọ 83 tuổi.
Archibald Gracie IV
Đại tá Archibald Gracie IV là một cây bút, sử gia người Mỹ, lên tàu Titanic với tư cách là hành khách khoang hạng nhất. Khi con tàu chìm dần ở vùng nước băng giá, ông Gracie đã hỗ trợ các hành khách đang tuyệt vọng khác lên xuồng cứu sinh. Cuối cùng, ông đã nhảy lên một trong những chiếc xuồng cứu sinh lúc nó hạ xuống và bám vào xuồng bị lật ở Đại Tây Dương lạnh giá. Ông may mắn đã được tàu Carpathia cứu sống.
Gracie đã nỗ lực hết mình để điều tra các sự kiện xung quanh vụ chìm tàu, ghi lại tỉ mỉ lời kể của những nạn nhân sống sót, giúp cung cấp những hiểu biết vô giá về thảm họa.
Tuy nhiên, bản thân ông đã không chống chọi được với các vết thương và chấn thương sau sự cố kinh hoàng. Ông qua đời chỉ 8 tháng sau đó, vào ngày 4/12/1912.
Eva Hart
Eva Hart, người Anh, mới 7 tuổi khi cùng cha mẹ đi trên con tàu Titanic ở khoang hạng hai. Cha của bà - Benjamin đã tìm cách đưa vợ con lên xuồng cứu sinh số 14 và họ được tàu Carpathia cứu vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, ông Benjamin đã không sống sót qua thảm kịch.
Trong suốt phần đời còn lại của mình, Hart luôn bị những cơn ác mộng ám ảnh. Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông sau này, bà kể bản thân không thể nào quên “những tiếng la hét thất thanh khủng khiếp” của những người trên tàu Titanic vào ngày xảy ra thảm họa.
Về sau, Hart trở thành một trong những người tích cực vận động Chính phủ Anh ban hành những quy định chặt chẽ hơn về an toàn hàng hải và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trên tàu biển. Bà cũng thường xuyên chỉ trích White Star Line, công ty vận tải sở hữu tàu Titanic vì đã không cung cấp đủ xuồng cứu sinh cho chuyến đi định mệnh.
Bà Hart cáo buộc những người trục vớt con tàu đắm là “những kẻ săn kho báu, kền kền, cướp biển và kẻ trộm mộ". Bà qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 14/2/1996, chỉ 2 tuần trước khi bước sang tuổi 91.
>>> Đọc tin thế giới mới nhất trên báo VietNamNet