Các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng của thanh niên Hàn Quốc trong các lĩnh vực giáo dục, việc làm hay đào tạo không có ý nghĩa sâu sắc về mặt kinh tế và xã hội.
Thời niên thiếu, Park Jung-mi tự coi mình là một người thành công, ngay cả khi cô không phải là một trong những người có thành tích cao nhất.
Ở trường trung học, cô học đến tận đêm gần như mỗi ngày. Sau khi đỗ vào một trong 10 trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc, cô vẫn chăm chỉ và tuân thủ kỷ luật trong việc học tập. Cô tốt nghiệp với điểm trung bình GPA 4/4,5.
Nhưng kể từ đó, cuộc sống trở nên đáng thất vọng với cô.
Park, hiện 31 tuổi, với một lý lịch không mấy nổi bật, từng ký hợp đồng làm việc 2 năm ở một cơ quan nhà nước nhưng không thể có được một vị trí lâu dài. Cô cũng làm việc 2 năm nữa ở một công ty thương mại nhỏ với mức lương thấp. Trong 7 tháng qua, cô đã ngừng tìm việc làm.
Park nói: “Bây giờ tôi không muốn tìm việc làm nữa. Tôi không muốn quay trở lại cuộc sống căng thẳng”.
Giống như nhiều bạn đại học, ban đầu cô muốn có công việc ổn định ở một công ty lớn. Cô chưa bao giờ nghĩ nó lại xa vời đến thế. “Thật đau lòng khi nghĩ về cha mẹ tôi và sự thất vọng mà tôi phải đối mặt”.
Sự thất vọng của Park cũng là cảm xúc của nhiều thanh niên Hàn Quốc khác - những người được gọi là NEET (viết tắt của không giáo dục, không việc làm, không dạy nghề).
Tuy nhiên, bộ phận những người trẻ này lại không được tính là người thất nghiệp, vì thất nghiệp được định nghĩa là tình trạng những cá nhân không tìm được việc làm dù có ý định và rất nỗ lực để làm việc đó.
Dữ liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc cho thấy, tính đến tháng 10 năm nay, 4,9% dân số Hàn Quốc trong độ tuổi 15-29, tương đương 410.000 người, thuộc nhóm người tự nguyện bỏ việc.
Con số này đã tăng đều đặn, từ 284.000 người vào năm 2005 đến 274.000 người vào năm 2010 và lên 307.000 người vào năm 2015, 390.000 người vào năm 2022. Xét về tỷ lệ phần trăm, con số này thể hiện mức tăng trưởng từ 2,7% vào năm 2005 lên 4,5% vào năm 2022.
Các chuyên gia cho biết, đằng sau những con số này là câu chuyện về những giấc mơ tan vỡ, những kỳ vọng không được đáp ứng và sự vỡ mộng của người trẻ Hàn Quốc.
Park Ka-yeul, một nhà nghiên cứu cho biết: “Một điểm khác biệt đáng chú ý của Hàn Quốc so với các quốc gia khác là trong khi NEET ở các quốc gia khác thường là những người có trình độ học vấn và địa vị xã hội thấp, thì ở Hàn Quốc, nhiều người trong số họ có trình độ học vấn cao”.
Tính đến năm 2022, 73,3% học sinh tốt nghiệp trung học ở Hàn Quốc đăng ký vào đại học. Nhưng sau khi tốt nghiệp, thay vì ổn định công việc ở các công ty nhỏ, nhiều bạn trẻ chọn cách tiếp tục tìm kiếm một vị trí đáp ứng được mong đợi của mình. Theo Park, điều này thường dẫn đến tình trạng thất nghiệp kéo dài và tình trạng NEET, một xu hướng trở nên rõ ràng hơn khi cha mẹ họ có trình độ học vấn cao hơn.
Nghịch lý
Hàn Quốc tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ vào đại học cao nhất trong số các nước OECD, với 73,3% học sinh tốt nghiệp trung học đăng ký vào đại học vào năm 2022.
Trong khi giáo dục công được miễn phí từ tiểu học đến trung học, người dân Hàn Quốc vẫn chi một khoản tiền đáng kể - khoảng 26 nghìn tỷ won (19,8 tỷ USD) vào năm ngoái, tương đương 1,2% tổng sản phẩm quốc nội - cho giáo dục tư nhân. Giáo dục tư thục thường được đầu tư từ khi trẻ ở tuổi mầm non và đạt đỉnh điểm vào giai đoạn trung học, đặc biệt là khi chuẩn bị cho tuyển sinh đại học.
Tuy nhiên, quá nhiều thời gian và tiền bạc được đầu tư vào giáo dục đôi khi khiến thanh niên nước này nảy sinh những kỳ vọng không được đáp ứng. Ai cũng mong muốn được đền bù cho những nỗ lực của mình, nhưng việc nhận được những “phần thưởng” đó đang giảm dần do thị trường thiếu việc làm tốt.
Vậy thế nào là một công việc ‘tốt’?
Theo khảo sát hồi tháng 5 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, 64,3% thanh niên thích các công ty lớn; 44% lựa chọn làm công chức; 36% chọn doanh nghiệp có quy mô vừa; và chỉ có 15,7% ủng hộ các công ty nhỏ.
Thu nhập và phúc lợi là yếu tố chính dẫn đến những lựa chọn này. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính, tiền lương của các doanh nghiệp nhỏ so với các tập đoàn lớn vẫn ở mức 47,2% tính đến năm 2021.
Năm 2020, Viện CXO Hàn Quốc, một cơ quan theo dõi doanh nghiệp, phát hiện ra rằng 64 công ty lớn nhất quốc gia, chiếm 84% tổng sản phẩm quốc nội, chỉ sử dụng 11% tổng lực lượng lao động.
Kế hoạch tuyển dụng của họ dự kiến sẽ không tăng trong tương lai do kinh tế tăng trưởng chậm. Ngược lại, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng 80,9% tổng lực lượng lao động, họ lại phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động thường xuyên.
Khó khăn trong việc di chuyển việc làm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khiến giới trẻ ngần ngại khi bắt đầu sự nghiệp tại các doanh nghiệp nhỏ.
Với thị trường việc làm Hàn Quốc, việc chuyển đổi từ doanh nghiệp nhỏ sang doanh nghiệp lớn hoặc từ việc làm không thường xuyên sang làm việc thường xuyên là vô cùng khó khăn. Theo Cơ quan Thống kê, vào năm 2021, chưa đến 3% nhân viên từ các công ty nhỏ chuyển đổi thành công sang các vị trí ở các công ty lớn.
Các chuyên gia cho rằng câu thần chú mà lâu nay xã hội Hàn Quốc vẫn rao giảng cho giới trẻ: “Học tập chăm chỉ, vào đại học tốt, kiếm được công việc tốt, có một cuộc sống tốt đẹp” đã không còn đúng nữa.
Kim Hye-won, chủ tịch nhóm dân sự địa phương Pie for Youth nói: “Mặc dù 70% người Hàn Quốc theo học đại học nhưng nhiều người không thực sự quan tâm đến việc theo đuổi học thuật. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong việc hình dung ra những con đường khác (ngoài con đường truyền thống mà cha mẹ họ đã đi)”.
Ở các quốc gia Bắc Âu và Đức, bà Kim cho biết, thanh thiếu niên có nhiều cơ hội trải nghiệm ngoài giáo dục công lập để hình dung về cuộc sống của họ sau khi tốt nghiệp.
“Họ có thể tích lũy kinh nghiệm xã hội, tham gia thực tập, đào tạo nghề hoặc đơn giản là khám phá bản thân. Tất cả những con đường này đều được công nhận, được đánh giá cao trong xã hội và không bị coi là điều gì đó khác biệt hay bất thường".
Ông Park tới từ Cơ quan Thông tin Việc làm Hàn Quốc cho rằng hệ thống giáo dục cần chuyển hướng khỏi việc tập trung vào tuyển sinh đại học. Thay vào đó, nên hướng tới việc nuôi dưỡng tư duy tiến bộ, khuyến khích giới trẻ chấp nhận thử thách và tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình.
Lối thoát
Ông Park cho rằng khi số lượng NEET cao, nếu không được giải quyết, có thể dẫn đến chi phí xã hội đáng kể.
“Khi những người trẻ trải qua thời gian tìm việc kéo dài, ý chí và lòng tự trọng của họ giảm sút. Cuối cùng, họ từ bỏ việc tham gia thị trường lao động. Tình trạng này kéo dài có thể làm suy yếu sức mua và sức sống xã hội của quốc gia. Hơn nữa, khi những cá nhân này bước sang tuổi 40, họ thường trở nên phụ thuộc tài chính vào cha mẹ già".
Trạng thái NEET cũng thường cản trở một người tiến tới các giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời, như kết hôn và sinh con.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, tác động kinh tế của dân số NEET ước tính khoảng 61,7 nghìn tỷ won, chiếm 3,2% tổng sản phẩm quốc nội.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, mới đây chính phủ Hàn Quốc đã phân bổ khoảng 1 nghìn tỷ won để thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào thị trường lao động. Khoản ngân sách này sẽ được dùng để hỗ trợ các sáng kiến như chương trình thực tập ở cả khu vực tư nhân và khu vực công, cùng với các dịch vụ tư vấn việc làm.
Theo bà Jeon Seong-shin, đồng giám đốc điều hành của nhóm dân sự Neetpeople, tổ chức hỗ trợ các cá nhân NEET về mặt tinh thần và xã hội, sự cạnh tranh khốc liệt để có được những công việc ổn định, được trả lương cao ngày càng gắt gao, đang buộc những người trẻ tuổi phải “thay đổi nhận thức” về công việc.
“Trước năm 2020, nhiều người trẻ có xu hướng chuẩn bị cho sự nghiệp tại các công ty lớn và coi đây là những lựa chọn ‘ổn định’. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy gần đây họ đang dịch chuyển dần tới các công việc mang tính cá nhân, làm việc tự do và những người làm nghề N-N-jobbers”- bà nói.
“N-jobbers” là một thuật ngữ dùng để chỉ những người làm nhiều công việc. Họ có xu hướng làm việc với “các dự án cá nhân” hoặc tập trung vào “thương hiệu cá nhân”. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ thường bị bỏ qua trong số liệu thống kê của chính phủ.
“Nhìn vào dữ liệu của chính phủ và các phương tiện truyền thông, những người trẻ này đôi khi được miêu tả là những người từ bỏ mọi thứ và lãng phí tuổi trẻ của mình (sống dựa vào hỗ trợ tài chính của cha mẹ)”.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng việc nhìn theo hướng một chiều như vậy không giúp ích được gì. Nhiều người trẻ phải vật lộn với chứng trầm cảm, thờ ơ và cảm giác tội lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ.
“Cùng chung sống trong một xã hội, chúng ta cần nỗ lực phối hợp để cung cấp mạng lưới an toàn xã hội cho họ với sự chấp nhận đa dạng hơn”.