Theo The Economist, các quốc gia như Mỹ, Đức, Nga và Trung Quốc là những cái tên đã chiếm lĩnh hơn 3/4 thị trường vũ khí thế giới trong nhiều năm. Tuy vậy, khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ, đã có những cái tên mới nổi lên nhờ tận dụng tối đa những thay đổi trong tình hình địa chính trị toàn cầu.
Một trong những quốc gia có ngành công nghiệp vũ khí phát triển mạnh mẽ nhất trong thời gian vừa qua là Hàn Quốc. Trong năm 2022, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 9 trong danh sách những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Seoul thậm chí đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ 4 toàn cầu vào năm 2027.
Báo cáo của chính phủ Hàn Quốc cho biết, nước này đã thu về 17,3 tỷ USD tiền xuất khẩu vũ khí trong năm 2022, gấp đôi năm 2021. Phần lớn số tiền này tới từ việc bán vũ khí cho Ba Lan (14,5 tỷ USD) - một thành viên của NATO và sát biên giới Ukraine.
Chính phủ Ba Lan đã đặt mua 1.000 xe tăng K2 Panther, 672 pháo tự hành K9 Thunder, 50 tiêm kích Golden Eagle FA-50 và nhiều hệ thống tên lửa khác từ Hàn Quốc. Hiện đã có hơn 100 xe tăng và pháo tự hành được chuyển giao.
Theo The Economist, sự thành công của vũ khí Hàn Quốc tới từ tốc độ giao hàng nhanh chóng, chất lượng đảm bảo và giá thành phải chăng. Hiệu quả này xuất phát từ sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất trong nước và cơ hội được tiếp xúc với những loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ trong thời gian dài.
"Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và những thỏa thuận tín dụng hấp dẫn cũng là các yếu tố giúp Hàn Quốc thu hút khách hàng", ông Siemon Wezeman - chuyên gia của SIPRI nhận xét.
Bên cạnh Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất nhờ cuộc xung đột Ukraine. Báo cáo của SIPRI cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2018-2022 đã tăng gần 70% so với 5 năm trước đó. Doanh thu xuất khẩu quốc phòng và hàng không vũ trụ của nước này năm 2022 là 4,4 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2021.
Doanh thu chủ yếu của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tới từ việc xuất khẩu máy bay không người lái (UAV). Với màn thể hiện ấn tượng tại Ukraine, UAV TB2 đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trên toàn cầu. Theo các chuyên gia quân sự, điểm thu hút của TB2 là giá cả rẻ, có sẵn hàng hơn so với UAV Mỹ và đáng tin cậy hơn sản phẩm của Trung Quốc.
Trong tháng 7 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận bán UAV Akinci trị giá 3 tỷ USD với Ả Rập Xê Út. Các quốc gia Vùng Vịnh khác như Qatar, Oman và UAE cũng đang thể hiện sự quan tâm với loại UAV này nhằm giảm phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ.
Theo The Economist, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi lớn nhờ sự khó khăn của các đối thủ cạnh tranh chính. Kể từ khi khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm đáng kể vì các lệnh trừng phạt. Cuộc xung đột Ukraine càng kéo dài thì Nga càng khó giành lại vị trí trên thị trường vũ khí toàn cầu.
NATO hối thúc Hàn Quốc xuất khẩu vũ khí trực tiếp sang Ukraine
Những quốc gia 'trùm' xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố báo cáo thường niên, trong đó xướng danh những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất.