Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ). Đây là đề án khoa học có quy mô lớn, được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện từ năm 2017 - 2021. Tham gia thực hiện đề án này là 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Lễ công bố đề án có sự tham gia của nhiều chuyên gia khảo cổ học và các lãnh đạo địa phương có di tích. |
Nhiệm vụ chính của đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và châu Á; cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị, đặc biệt là cho công tác xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới.
Ngày 25/3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức lễ công bố kết quả thực hiện Đề án khảo cổ học văn hoá Óc Eo qua ấn phẩm Văn hoá Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017-2021.
Minh chứng rõ ràng về "đô thị cổ" Óc Eo
Theo PGS.TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ năm 2017 - 2020, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê với quy mô lớn, có diện tích trên 16.000m2 tại 2 khu vực cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê. Từ năm 2018-2020, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành khai quật khu vực di tích Nền Chùa với diện tích 8.000m2. Đây là khu di tích nằm dưới cánh đồng rộng lớn, cách Óc Eo - Ba Thê khoảng 12km theo đường chim bay về phía Bắc.
Công trường khai quật khảo cổ học tại di tích Nền Chùa. |
"Sau gần 4 năm thực hiện nhiệm vụ khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng như kiến trúc đến tháp, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá cùng nhiều loại hình di tích cư trú, sinh hoạt, sản xuất thủ công. Đặc biệt, cuộc khai quật này đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thuỷ tinh.
Kết quả khai quật đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của "đô thị cổ" Óc Eo", PGS.TS Bùi Nhật Quang cho biết.
Sống dậy ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam
Đánh giá kết quả thực hiện của đề án, PGS.TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, có rất nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần làm sáng rõ hơn tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử Vương quốc Phù Nam. Trong đó, thành tựu quan trọng nhất của đề án là đã minh chứng và làm sáng rõ những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử. Đây là một trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm chính trị, trung tâm tôn giáo lớn và quan trọng nhất của Vương quốc Phù Nam. Trong đó, Óc Eo đóng vai trò là một “đô thị” hay là một “thành phố ven biển” và kết nối với Biển Tây Nam thông qua “cửa ngõ” giao thương là Nền Chùa và các tuyến thủy lộ trong vùng.
Các loại hạt chuỗi thuỷ tinh do PGS.TS. Bùi Minh Trí chụp tại Nền Chùa. |
Ba Thê đóng vai trò là một trung tâm tôn giáo lớn của Vương quốc Phù Nam, và là một cấu trúc chung không thể tách rời của không gian đô thị Óc Eo. Trong hệ thống đô thị cổ ở châu Á thời kỳ sau Công nguyên, Óc Eo - Ba Thê thể hiện rõ vai trò là trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa có tầm quan trọng và có sức lan tỏa, sự ảnh hưởng lớn trong khu vực. Nhiều loại hình di vật quý có nguồn gốc từ nước ngoài như tiền và huy chương vàng La Mã, đèn đồng Ba Tư, gương đồng nhà Hán... thu thập được trong các hố khai quật chính thức và không chính thức đã hé lộ những bí ẩn của mạng lưới thương mại hàng hải thời bấy giờ.
Đặc biệt, phát hiện mới về đồ gốm đến từ đế chế La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc và Tây Á đã góp phần lý giải sâu hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa xuyên đại dương của đô thị Óc Eo trong lịch sử. Những ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời vang bóng tiếp tục được làm sống dậy bởi những khám phá quan trọng của khảo cổ học trong những năm 2017-2020. Từ đây, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa không chỉ được biết đến là một phức hợp đô thị cổ, có vai trò rất quan trọng trong lịch sử vương quốc Phù Nam, một vương quốc hình thành trên nền tảng văn hóa bản địa đặc sắc mà nó còn có mối quan hệ giao thương rất rộng mở với nhiều vương quốc cổ Đông Nam Á và cả các quốc gia ở Nam Á, Tây Nam Á, Đông Bắc Á... thông qua con đường hải thương quốc tế.
"Đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa có vị trí trung tâm trên vùng đất Nam Bộ mà trong đó vùng cảng thị hướng về phía Biển Tây Nam. Đây là một đô thị độc đáo, được xây dựng trên vùng đồng bằng màu mỡ ven biển và là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam, có tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, nhờ đó nó đã tạo nên những bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian, đưa vùng đất đầm lầy này trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên. Khu di tích Quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản văn hóa của nhân loại", PGS.TS. Bùi Minh Trí nhấn mạnh.
Tình Lê
Xòe Thái trở thành di sản tiếp theo của Việt Nam được UNESCO ghi danh
UNESCO vừa ghi danh Xòe Thái của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.