"Phụ nữ mang thai tự nhiên ở tuổi ngoài 50 rất hiếm. Bởi thời điểm này, buồng trứng đã suy giảm rất nhiều, trứng gần như không còn để mang thai", bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, khoa Sản bệnh (A4), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chia sẻ với VietNamNet chiều 8/4, sau khi đọc thông tin về người phụ nữ 51 tuổi sinh con.
"Những mẹ mang bầu và sinh con ở tuổi 47, 48 tuổi chúng tôi đã từng khám và đỡ đẻ thành công, nhưng trên 50 tuổi thì rất hiếm. Bản thân tôi là bác sĩ cảm thấy rất ngạc nhiên, vì sao có thể mang bầu tự nhiên khi ở tuổi buồng trứng suy giảm cạn kiệt", bác sĩ Đạo cho biết.
Theo bác sĩ Đạo, việc người phụ nữ mang thai, sinh con ở tuổi ngoài 60 thường là các trường hợp hiếm muộn, con gái hoặc họ hàng nhờ mẹ mang thai hộ, trẻ có được nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, xin trứng hoặc dùng phôi trữ.
Ở Việt Nam, năm 2021, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa từng can thiệp thành công giúp người phụ nữ 61 tuổi ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) làm mẹ, chồng bà năm đó 68 tuổi. Năm 2017, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội công bố lần đầu tiên ở Việt Nam có người phụ nữ sinh con tuổi 60. Cả hai trường hợp đều có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.
Không chủ quan với giai đoạn tiền mãn kinh
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ nhiệm khoa Phụ sản Bệnh viện 354 (Hà Nội), người trực tiếp theo dõi thai kỳ và đỡ đẻ thành công cho bà mẹ 51 tuổi, cho biết khi mãn kinh, phụ nữ không thể mang thai. Tuy nhiên, giai đoạn 3-5 năm trước thời kỳ này, họ thường trải qua giai đoạn tiền mãn kinh với nhiều rối loạn về thể chất, nội tiết, tâm sinh lý.
Cơ quan sinh dục của phụ nữ có sự thay đổi như ngực teo nhỏ và chảy xệ, teo, khô vùng âm hộ, âm đạo hay các dấu hiệu bốc hỏa, đổ mồ hôi… Đặc biệt, phụ nữ giai đoạn này có sự thay đổi về chu kỳ và tính chất của kinh nguyệt. Chu kỳ bị rối loạn, vòng kinh thay đổi, ít dần, kéo dài và thưa dần, có thể bị rong kinh hoặc cường kinh…
"Giai đoạn này phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai, dù lượng estrogen suy giảm có thể khiến việc mang thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn", bác sĩ Phương cảnh báo. Đồng thời, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo phụ nữ tuyệt đối không chủ quan với thời kỳ "sẩm tối" này.
Vì vậy, phụ nữ ở giai đoạn này vẫn cần thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp. Trường hợp có biểu hiện mất kinh, trễ kinh, nên thử thai và đi khám bác sĩ chuyên sản phụ khoa.
Điều cần lưu ý khi mang thai ở tuổi ngoài 50
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, độ tuổi cùng với chất lượng trứng kém khiến thai nhi đối diện nguy cơ dị tật cao, quá trình mang thai khó khăn dễ gây sảy thai, thai lưu, đẻ non, nhẹ cân, thai chậm tăng trưởng...
Tại khoa Sản bệnh, nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn khi mẹ đã 50 tuổi, buộc phải quyết định đình chỉ thai nghén vì lý do thai dị tật; do sức khỏe của mẹ. Ngoài ra, nhiều người không vượt qua được tâm lý e ngại vì mang thai khi đã lên chức bà nội, bà ngoại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương cũng cho biết phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi tuổi cao khó có một thai kỳ an toàn, suôn sẻ.
Ngoài những vấn đề với thai nhi, một số trường hợp có nguy cơ cao là thai bất thường, hay gặp là chửa trứng. Nếu không theo dõi và can thiệp phù hợp, tình trạng vốn lành tính này dễ gây biến chứng như sảy thai, nhiễm trùng, băng huyết, đặc biệt là nguy cơ ung thư tế bào nuôi. Nguy cơ ung thư càng tăng lên đối với người bệnh lớn tuổi.
Mang thai khi lớn tuổi, người mẹ phải xác định nguy cơ bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường… Trong quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng, đặc biệt khi hệ xương đã bị lão hóa như loãng xương, khung xương chậu không còn sự giãn nở như người trẻ nên gây khó khăn cho cuộc sinh. Sau khi sinh, sức khỏe cũng chậm phục hồi hơn.