Ngày nay gần như bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể giải trí bằng video game, dù vậy đa số chúng ta đều mù tịt về quá trình làm nên những sản phẩm hấp dẫn này và dẫn đến nhiều lầm tưởng về nhân lực cũng như các hãng phát hành/phát triển game. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về 10 suy nghĩ lệch lạc nhất của game thủ về ngành công nghiệp trò chơi điện tử.

Những nhà phát triển game đều lười biếng

Giống như phần mềm, không có trò chơi nào không chứa lỗi và mỗi khi bắt gặp những bug này, nhiều game thủ lại nghĩ ngay tới bộ phận lập trình viên lười biếng của hãng phát triển. Thực tế, đa số nhân lực trong ngành lập trình nói chung chứ không riêng gì game đều phải làm việc khá vất vả, đặc biệt là thời điểm sản phẩm cận kề ngày ra mắt.

"Chúng tôi hoạt động trong một môi trường mà làm thêm giờ và các hạn chót là một phần không thể thiếu. Mọi nhân viên đều phải tập trung hết trí óc lẫn sức lực vào công việc phát triển, thậm chí không ít người còn gặp phải trục trặc về gia đình. " - Một nhà phát triển game giấu tên chia sẻ.

Phát triển game là công việc dễ dàng

Hãy cùng nghe lập trình viên Armin Ibrisagic đến từ Coffee Stain Studios - hãng đứng đằng sau tựa game Goat Simulator chia sẻ về lý do tại sao việc cho rằng, thiết game là công việc dễ dàng hoàn toàn không chính xác chút nào.

"Tôi còn nhớ hai dự án game FPS mà mình từng làm việc: Sanctum 1 và 2. Ở phiên bản đầu tiên, chúng tôi sử dụng một danh sách liệt kê server để người chơi tự lựa chọn. Sang đến Sanctum 2 để thuận tiện hơn cho game thủ, một hệ thống tìm kiếm trận đấu đã được thay thế vào. Dù vậy một số người vẫn muốn có thêm kiểu danh sách cũ, và họ thắc mắc tại sao chúng tôi không đơn giản là copy paste nó từ Sanctum 1 sang? Nếu có kiến thức về lập trình, bạn sẽ hiểu điều này là không thể. "

 

"Các bạn cần phải hiểu rằng phát triển game là một quá trình mà chúng tôi cần phải cân đối giữa số lượng, chất lượng các tính năng có trong game với thời gian và nhân lực. "

Làm game chỉ cần ý tưởng hay là xong

Ý tưởng khi nằm ở trong đầu luôn luôn hấp dẫn. Thử tưởng tượng một tựa game diệt zombie mà người chơi được cưỡi khủng long trong một thế giới rộng lớn không giới hạn như No Man's Sky? Hay một phiên bản Far Cry của thế giới Star Wars với nhân vật chính là Han Solo? Mọi thứ đều khả thi chừng nào chúng chưa vượt ra khỏi giới hạn của ý nghĩ. Dù vậy để hiện thực hóa chúng thì không đơn giản chút nào, hoặc đôi khi đến khi bắt tay vào phát triển, bạn mới nhận ra ý tưởng hấp dẫn của mình lại không thể làm nền tảng cho một gameplay hấp dẫn.

 

Ngày nay các tựa game kêu gọi quyên góp vốn từ cộng đồng đang mọc lên như nấm với nhiều ý tưởng mới lạ đầy hấp dẫn, dù vậy chỉ phần nhỏ trong số đó là có thể ra mắt thành công, còn phần còn lại thường hết kinh phí trước khi nhận ra ý tưởng đó quá tham vọng để hiện thực hóa, có chất lượng dở tệ hoặc trường hợp xấu nhất chỉ là trò lừa đảo.

Phát hành DLC là xấu

DLC là một phần rất phổ biến của trò chơi điện tử ngày nay, thậm chí nhiều game còn có DLC từ ngay ngày ra mắt đầu tiên. Loại bản mở rộng "mini" này được làm ra với mục đích mang lại thêm doanh thu cho hãng phát hành/phát triển, điều đó đúng. Tuy nhiên một sự thật mà nhiều người không biết, đó là DLC cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân viên.

 

Elizabeth Zelle - một nhà phát triển game làm việc tại Deep Silver chia sẻ: "Trong quá khứ, tôi thường được chứng kiến những đợt sa thải hàng loạt sau khi một tựa game hoàn tất bởi nhóm thực hiện sản phẩm đó không còn việc gì để làm nữa. Tới khi dự án sau cần nhân lực, họ lại bắt đầu tuyển dụng thêm người. Quá trình phát triển DLC giúp cho bộ phận này có thể tiếp tục làm việc tại công ty và có công việc ổn định hơn. "

Nhà làm game nào cũng giàu nứt đố đổ vách

Bạn ngưỡng mộ Markus Persson - chả đẻ Minecraft hay gần gũi hơn là Nguyễn Hà Đông với cú hit Flappy Bird? Trong thực tế không phải nhà làm game nào cũng may mắn tạo ra được những sản phẩm thu hút hàng triệu người chơi như vậy.

 

Cliff Bleszinski - nhân vật tiếng tăm với studio Epic Games và series Gears of War nói: "Tôi thực sự may mắn. Mặc dù bản thân tôi làm việc hết sức chăm chỉ, không phải ai cũng có cơ hội làm việc dưới một ông sếp tốt bụng như Tim Sweeney. Với mỗi người thành công trong ngành game như tôi, có hàng trăm những người khác không được may mắn như vậy. "

Đồ họa đẹp đồng nghĩa với game hay hơn

Đồng ý rằng nhìn vào những tựa game long lanh như Crysis, Metal Gear Solid V, Far Cry 4 chúng ta ngay lập tức có cảm tình và muốn thử nghiệm chúng. Nhưng Crysis có hay hơn Final Fantasy VI hay Legend of Zelda: Ocarina of Time hay không? Chắc chắn nhiều người sẽ chọn câu trả lời không.

 

"Ngày nay có rất nhiều game thủ chỉ quan tâm một tựa game có đồ họa đẹp thế nào, thế giới rộng lớn bao nhiều mà không quan tâm tới việc chúng có mang đến điều gì mới lạ hay không. Hay một bộ phận khác bật game PC chỉ để săm soi độ mịn texture cùng tốc độ khung hình. " - Shawn Allen, nhà thiết kế tựa game Treachery in Beatdown City nói.

Mọi thứ mà nhà làm game làm đều vì lợi nhuận

Mặc dù làm game ra là để kiếm tiền những tiền không phải lúc nào cũng là động lực đối với các nhà phát triển game. Matthew Medina đến từ ArenaNet nói: "Từng làm việc tại EA hai lần, tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng các đồng nghiệp của mình cố gắng làm mọi thứ chỉ để móc túi người chơi. Game là một ngành kinh doanh, vì vậy nhà đầu tư thường phải cân nhắc giữa việc liệu đầu tư số tiền X cho nội dung này có mang lại lợi nhuận Y hay không, còn lại việc thiết kế game luôn ít nhiều xuất phát từ đam mê. "

 

Hãng phát triển không bận tâm đến lỗi game

Đôi khi game thủ găp phải lỗi ngay từ màn hình menu của game và cho rằng nhà phát triển thật lười biếng khi bỏ sót một chi tiết hiển nhiên như vậy. Thực tế gần như mọi loại bug game đều chỉ xảy ra khi một loạt điều kiện cùng đồng thời thỏa mãn, ví dụ như khi người chơi sở hữu X vật phẩm, Y băng đạn, đã giết được 20 tên địch, hay khi đồng hồ game chạm đúng thời điểm nào đó chẳng hạn.

 

Bug không bao giờ dễ đoán trước, và một người có thể ngồi chơi cả chục năm không gặp phải vấn đề mà một người khác chỉ mất 5 phút để tìm ra. Vì vậy mặc dù quá trình kiểm thử được thực hiện trong thời gian dài với một số lượng lớn nhân lực, game vẫn không bao giờ thoát khỏi những lỗi từ nhỏ đến lớn khi phát hành chính thức. Tất nhiên những trường hợp như Battlefield 4 gặp lỗi vì làm vội vàng để kịp ngày ra mắt thì không thể dùng lý do này để ngụy biện được.

Những game thủ "softcore" không quan trọng

Thực tế hoàn toàn ngược lại khi những người chơi game hardcore không phải mục tiêu chính của hãng phát triển bởi bộ phận này luôn chiếm thiểu số. Tựa game dựa trên hình tượng người mẫu siêu vòng 3 Kim Kardashian trên di động trông có vẻ ngớ ngẩn, dù vậy số lượt tải trò chơi này ngang bằng thậm chí nhiều hơn cả số người chơi DOTA 2 hiện tại. Trong khi đó Kim Kardashian Game chưa phải tựa game hot nhất trên nền tảng di động.

 

"Tôi nghĩ rằng nhiều người chắc hẳn đã cảm thấy shock khi biết BioShock: Infinite bị coi là một thất bại với doanh thu 5 triệu bản. Họ sẽ còn shock hơn khi biết rằng Clash of Clans chỉ tính riêng nền tảng Android đã có vài trăm triệu lượt tải, mặc dù tựa game này có kinh phí phát triển thấp hơn rất nhiều. "

"Một sự thật mà nhiều người muốn tin vào đó là game luôn cần phải mang tính nghệ thuật, giàu chiều sâu, kinh phí phát triển khổng lồ mà quên mất rằng, về bản chất video game vẫn chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích giải trí mà thôi, và ai cũng có nhu cầu giải trí chứ không riêng gì game thủ hardcore. " - Lập trình viên game tên Robert Yang nhận định.

Game thủ luôn là người hiểu rõ game nhất

Fan hâm mộ là những người rất tâm huyết với một series hay tựa game cụ thể nào đó. Họ cho rằng mình hiểu rõ tường tận về sản phẩm mà mình yêu thích, biết được nó cần phải có những gì, cần loại bỏ đi những gì để trở nên hấp dẫn. Dạo một vòng các diễn đàn game, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chủ đề kiểu như: "Tựa game X cần phải đi theo hướng Y để thành công".

 

Nhưng đó cũng chỉ là những ý kiến cá nhân mà thôi, và game được làm ra để phục vụ cả cộng đồng chứ không riêng cá nhân nào cả. "Nếu chúng tôi dựa trên phản hồi của số đông người chơi để làm game, giờ này chắc Assassin's Creed đang đầy rẫy rồng và quái vật, hoặc chẳng có nhân vật nào chết trong Game of Thrones cả. " - Patrice Desilets, người sáng tạo ra series Assassin's Creed bông đùa.

 

Theo Trí Thức Trẻ