Châu Diệp, đến từ Hà Khẩu (Trung Quốc), là sinh viên năm 4 ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam của Trường Đại học Hà Nội. Từng có 2 năm phải học online tại Trung Quốc vì dịch Covid-19, đến tháng 9/2022, nữ sinh mới có cơ hội học trực tiếp ở Việt Nam. Là năm thứ 2 chọn ăn Tết xa nhà, với Châu Diệp, vẫn có nhiều điều lạ lẫm và háo hức.
“Năm ngoái, nhà trường cũng tổ chức chương trình Tết Việt cho sinh viên quốc tế. Em rất thích các văn hóa truyền thống của người Việt Nam như tục bày mâm ngũ quả, cắm hoa, gói bánh chưng… Điều đó làm chúng em cảm thấy ấm cúng như được về nhà ăn Tết”.
Đêm giao thừa năm ngoái, Diệp và 4 bạn cùng phòng ký túc xá bật tiếng pháo hoa để chúc mừng nhau. Trước đó, cả nhóm rủ nhau đi chợ sinh viên, mua đầy đủ nguyên liệu để mùng 1 Tết, cả phòng tự gói bánh chưng, làm chả nem, phở cuốn… thông qua sự hỗ trợ của Youtube.
Là con một trong gia đình, bố mẹ buôn bán ngay gần cửa khẩu, Châu Diệp có cơ hội được tiếp xúc với tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Vì thế, nữ sinh mong muốn được du học ở đất nước này để cảm nhận những điều thú vị về cuộc sống của người dân nơi đây.
“Tết Việt Nam có nhiều điều tương đồng với Trung Quốc, nhưng cũng có những nét đặc trưng riêng. Vì thế, năm nay em quyết định vẫn ở lại đây ăn Tết để đi tìm hiểu, khám phá thêm những điều chỉ Việt Nam mới có”.
Trong những ngày Tết, Châu Diệp cũng dự định sẽ cùng các bạn Trung Quốc đi cảm nhận phố phường Hà Nội, dạo Bờ Hồ, trải nghiệm phố đêm. Ngoài ra, cả nhóm đã chuẩn bị rất nhiều đồ ăn vặt để cùng liên hoan trong đợt nghỉ lễ.
Trong khi đó, với Oraiden Manuel Sabonete (người Mozambique), đây là năm thứ 4 Oraiden không về nhà dịp này. Vì mê mẩn với lịch sử của Việt Nam, cậu sinh viên ngành Kỹ thuật điện, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định từ bỏ ngôi trường đại học top đầu Mozambique để tới đây học tập.
“Năm lớp 8, khi học tới Lịch sử nước ngoài, em ấn tượng về người Việt Nam anh dũng, kiên cường qua từng trận chiến chống giặc ngoại xâm. Vì thế, em ao ước được trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực, địa lý của Việt Nam”.
Sau hơn 3 năm học tập tại đây, Oraiden nhận thấy tiếng Việt của mình đã cải thiện nhiều, thậm chí ngày càng thêm yêu tha thiết Việt Nam. Vì thế, nam sinh dành rất nhiều thời gian để “sống” trong văn hóa Việt.
Những ngày Tết của các năm trước, nam sinh đều trải nghiệm về quê một người bạn Việt Nam để cùng ăn Tết. Ấn tượng chung của Oraiden về Tết Việt là không khí rộn ràng và sự đầm ấm của bữa cơm đoàn viên.
“Những ngày Tết, em được tham gia dọn dẹp nhà cửa, mua sắm và thưởng thức các món ăn truyền thống như nem, chả, bánh chưng. Điều đó làm em cảm thấy rất ấm áp, như được sống trong chính gia đình của mình”.
Năm nay, Oraiden cũng dự định sẽ ăn Tết với gia đình một người bạn ở TP.HCM. Nam sinh mong muốn dành trọn vẹn thời gian này để tận hưởng không khí ấm cúng, vui vẻ trong dịp đầu năm mới.
Còn với Saku, sinh viên năm hai Trường Đại học Hà Nội, đây là năm đầu tiên cô ở lại ăn Tết Việt Nam. Vì thế, Saku cảm thấy háo hức, dẫu cũng có chút nhớ nhà. Cô gái Nhật Bản dự định sẽ về quê một người bạn học ở Vĩnh Phúc “để được trải nghiệm rõ nét nhất phong tục Tết Việt”.
“Chúng em đã lên kế hoạch sẽ cùng nhau đi mua hoa đào, mặc áo dài và gói bánh chưng. Mặc dù em chưa rõ mâm cỗ truyền thống trong ngày Tết của người Việt sẽ bao gồm những gì, nhưng trong dịp này em sẽ cố gắng thử hết. Sau 4 tháng sang Việt Nam, em cảm thấy đồ ăn ở đây rất ngon. Vì thế, trong thời gian ngắn em đã tăng tới 6kg”, Saku hào hứng chia sẻ.
Theo Saku, người Nhật thường đón Tết theo lịch Dương. Trong ngày Tết, mọi người thường đi chùa cầu may, ăn mì Soba (mì Trường thọ) thay vì dành quá nhiều thời gian cho việc nấu nướng. Vì thế, điều khiến cô ấn tượng là người Việt Nam dành rất nhiều thời gian chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, chẳng hạn như việc gói bánh chưng.
“Chưa từng trải nghiệm ăn Tết ở Việt Nam nên em cảm thấy rất háo hức. Chúng em cũng đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho các hoạt động ngày Tết với mong muốn có thể trải nghiệm trọn vẹn ngày Tết cổ truyền tại đây”, Saku hào hứng nói.