Rời cuộc nhậu, tai nạn thảm khốc chờ phía trước
Mới đây nhất, vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào tối ngày 8/7 tại phường Bình Ngọc, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) khiến 2 người tử vong và 2 người bị thương nặng.
Điều đáng buồn, theo xác định ban đầu từ cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn là do lái xe Nguyễn Văn Cung điều khiển xe máy khi đã sử dụng bia rượu, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ.
Cụ thể, khoảng 19h10 tối ngày 8/7, ông Nguyễn Văn Cung (37 tuổi, ngụ phường Bình Ngọc, TP. Móng Cái) điều khiển xe gắn máy, lưu thông theo hướng từ Mũi Ngọc về Trung tâm TP. Móng Cái.
Khi tới khu 4, phường Bình Ngọc, tài xế này bất ngờ tông vào cháu Đ.T.T. (SN 2007) và cháu N.H.T (SN 2012, đều ở Khu 4, phường Bình Ngọc). Khi đó, hai cháu đang đi bộ đẩy xe trẻ em, trên xe có cháu H.T.H. (SN 2021). Cú va quá mạnh đã làm ông Cung và cháu H. tử vong, còn các cháu Đ.T.T., N.H.T. bị thương.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là vụ tai nạn giao thông gần đây nhất có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia rồi lái xe. Trước đó, khoảng đầu tháng 6, vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Bắc Giang cũng đã cướp đi sinh mạng 3 trong một gia đình gồm ông Nguyễn Văn Hưng và vợ là bà Dương Thị Quyền cùng con gái, nguyên nhân cũng từ việc tài xế sử dụng rượu bia.
Theo điều tra, tối ngày 2/6, Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, ngụ Bắc Giang) dự tiệc chia tay cơ quan cũ và có sử dụng rượu bia. Khoảng 23h30 ngày 2/6, Thịnh lái xe Audi qua ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang), thì tông trúng xe máy do ông Nguyễn Văn Hưng (48 tuổi) điều khiển, chở theo vợ và con gái 13 tuổi. Cú tông khiến xe máy bị hất tung lên cao, 3 người trên xe văng xuống vỉa hè, tử vong tại chỗ.
Kết quả kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong hơi thở tài xế Nguyễn Đức Thịnh là 0,604 mg/lít; test nhanh không sử dụng ma túy. Nồng độ cồn này cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa theo Nghị định 100.
Sau tai nạn, tại cơ quan điều tra, tài xế Nguyễn Đức Thịnh đã nói những lời hối lỗi, giá như... Tuy nhiên, nhưng điều đáng buồn hơn cả là những tai nạn thảm khốc, thương tâm như vậy vẫn chưa phải là cuối cùng, vẫn chưa khiến những "ma men" thấy sợ.
Và sau những vụ tai nạn như vậy, không chỉ dư luận lên án, pháp luật nghiêm trị, nhưng đáng nói, tình trạng sử dụng rượu bia rồi lái xe vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chỗ này, chỗ kia vẫn còn những chuyện mất người thân từ tai nạn giao thông do rượu bia.
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng người say xỉn lái xe
Trước thực trạng sử dụng rượu bia rồi lái xe, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm ngăn chặn những vụ tai nạn giao thông do "ma men" cầm lái.
Cụ thể, từ cuối tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, vượt quá tốc độ, vi phạm về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải. Chỉ trong ngày đầu ra quân, CSGT cả nước đã xử lý 636 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Còn tại TP.HCM, ngoài kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, mới đây các đội, trạm thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đã đến từng quán tuyên truyền việc chấp hành nghiêm Luật phòng chống tác hại của rượu bia đến các chủ nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn thành phố.
Theo đó, lực lượng CSGT đã vận động các chủ nhà hàng, quán nhậu ký cam kết không để khách hàng đã uống rượu bia nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tuyệt đối không bán rượu, bia, chất kích thích cho người dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, CSGT cũng treo các băng rôn tuyên truyền việc không lái xe khi đã sử dụng rượu bia tại các quán nhậu. Với các trường hợp người dân cố tình điều khiển xe khi đã say xỉn, CSGT đề nghị chủ quán báo tin để kịp thời ngăn chặn, tìm hướng xử lý phù hợp. Việc làm này của lực lượng CSGT đã nhận được sự hợp tác của nhiều chủ quán nhậu.
Từ phía người dân, chị Lưu Kim Phượng (ngụ quận Gò Vấp) cho rằng, đây là việc làm rất thiết thực và cần triển khai thường xuyên, liên tục kèm với những chế tài, mức phạt nghiêm ngặt nhất.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, phải xử lý thật nặng đối với những trường hợp sử dụng rượu bia khi gây tai nạn giao thông.
Theo luật sư Dũng, hậu quả của việc chạy xe khi say xỉn không chỉ gây tai nạn cho bản thân, gây nguy hiểm cho người đi đường, mà trực chờ phía trước là hiểm họa, thậm chí khi gây tai nạn thảm khốc sẽ tạo nên gánh nặng cho xã hội.
Cũng theo luật sư Dũng, khi xảy tai nạn, nếu nồng độ cồn vượt quá mức quy định, đây là tình tiết tăng nặng. Khi đó, người gây tai nạn có thể chịu mức án từ 7 - 15 năm tù theo Khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, dù chế tài pháp luật nghiêm khắc, giải pháp phòng vẫn là từ nhận thức và ý thức của mỗi người.