Ngày 9/2, Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Hoàng Quang Huy (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính) và bà Lâm Thị Hồng Tâm (thủ quỹ) của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng về tội tham ô tài sản.
Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2021, bà Tâm nhờ ông Huy lấy 500 triệu đồng từ quỹ của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng để giải quyết việc cá nhân. Do quỹ tiền mặt không đủ, bà Tâm xin phép ông Huy cho rút tiền từ tài khoản ngân hàng của trường và được đồng ý.
Để thực hiện hành vi, bà Tâm điền thông tin vào quyển séc ngân hàng và đưa ông Huy ký xác nhận, sau đó trình ông Đoàn Quang Vinh, giai đoạn đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng ký duyệt.
Sau lần thứ nhất thành công, bà Tâm nói với ông Huy cần nhiều tiền chung vốn làm ăn nên đề nghị tiếp tục mượn tiền từ tài khoản của trường.
Theo thông tin ban đầu, bà Tâm nhiều lần đề nghị ông Vinh ký séc với lý do rút tiền nhập vào quỹ tiền mặt của trường để phục vụ các chi tiêu. Sợ ông Vinh không đồng ý duyệt rút số tiền lớn nên bà Tâm bàn với ông Huy để trống số tiền cần rút trên séc.
Mỗi lần trình séc lên lãnh đạo, bà Tâm và ông Huy không ghi rõ số tiền nhưng vẫn được ông Vinh ký duyệt. Ông Vinh đã nhiều lần ký vào các tờ séc khống theo đề nghị của bà Tâm. Có được chữ ký của chủ tài khoản ngân hàng, bà Tâm đã rút tổng cộng 86,6 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Đối diện mức án cao nhất?
Trao đổi với PV VietNamNet, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các bị can có thể phải đối mặt với hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Vụ việc cán bộ ở Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng tham ô hơn 86 tỷ đồng gây bất ngờ cho nhiều người bởi số tiền quá lớn và các bị can thực hiện hành vi rất liều lĩnh, coi thường pháp luật.
Luật sư Cường cho hay, theo quy định của pháp luật, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt số tiền mà mình có trách nhiệm quản lý từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội “Tham ô tài sản”.
“Trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 1 tỷ đồng trở lên, hình phạt sẽ là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Trong vụ án này, kết quả điều tra ban đầu cho thấy các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền trên 86 tỷ đồng nên hình phạt có thể là tù chung thân hoặc tử hình”, vị luật sư nhận định.
Làm rõ trách nhiệm người có liên quan
Luật sư Cường thông tin thêm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng lần bị can rút tiền như thế nào, thủ tục rút tiền ra sao và số tiền đó được chuyển cho những ai quản lý, tiêu thụ.
“Về nguyên tắc không có chữ ký của thủ trưởng cơ quan thì kế toán, thủ quỹ không được phép rút tiền. Việc lấy tiền từ quỹ của nhà trường phải được sử dụng đúng mục đích, theo kế hoạch.
Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan”, luật sư Cường giải thích.
Với kết quả xác minh về ông Đoàn Quang Vinh, vị hiệu trưởng này đã sai sót khi ký vào các tờ séc khống, và có thể còn trường hợp ký vào tờ séc đã điền đầy đủ thông tin, nhưng không kiểm soát được khoản tiền rút ra và sử dụng như thế nào, dẫn đến việc để các đối tượng chiếm đoạt tài sản.
“Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật, người chủ tài khoản của pháp nhân là quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày, liên quan đến vấn đề tài chính của pháp nhân.
Bởi vậy, nếu có căn cứ cho thấy ông hiệu trưởng này vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây ra thiệt hại đến tài sản của nhà trường, hành vi này có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 360 bộ luật hình sự”, luật sư Cường giải thích.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, hành vi tham ô tài sản này chỉ có hai bị can thực hiện, những người khác không biết, nhưng có căn cứ cho thấy có người có chức vụ quyền hạn vì thiếu trách nhiệm nên đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, tạo ra sơ hở cho hai bị can này thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm.
“Người này có khả năng sẽ bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 360 bộ luật hình sự. Với thiệt hại tài sản hơn 86 tỷ đồng, hình phạt có thể bị phạt tù từ 7 đến 12 năm”, luật sư Cường nói.
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp nhận định, qua vụ án này, bên cạnh việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa để quản lý tốt hơn tài chính của các cơ quan, tổ chức.
Cần tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với công tác tài chính để quản lý nguồn thu, sử dụng tài chính đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, loại bỏ các cán bộ thiếu tu dưỡng đạo đức, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy.