Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam và cộng sự, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc phát huy hiệu quả nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác đối với NVNONN nói chung và công tác phát huy nguồn lực NVNONN nói riêng đã được triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị.

Nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong và ngoài nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của cộng đồng NVNONN ngày càng được nâng cao.

Chính phủ, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác NVNONN nói chung và phát huy nguồn lực NVNONN nói riêng thành các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động; đề án trong từng lĩnh vực.

Nhờ đó, công tác phát huy nguồn lực NVNONN đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Một là, về chính trị. Dù quan điểm, thái độ chính trị khác nhau, nhưng tinh thần hướng về đất nước của cộng đồng NVNONN luôn được thể hiện rõ nét. Với mong muốn góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước, Cộng đồng người Việt Nam ở các nước Hàn Quốc, Đức, Hung-ga-ri, Ba Lan đã thành lập một số quỹ, như quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, Câu lạc bộ Trường Sa... triển khai các hoạt động tổ chức hội thảo, tọa đàm, triển lãm ảnh về Biển Đông.

Kể từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài còn tổ chức cho các đoàn  NVNONN tiêu biểu đi thăm Trường Sa, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng đặc biệt của cộng đồng. Thông qua những hoạt động này, cộng đồng NVNONN mong muốn có thể truyền tải thông tin đúng đắn tới bạn bè quốc tế, lan tỏa tình yêu biển, đảo quê hương, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

W-kieubao-1.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ với đại diện kiều bào, Phật tử người Việt tại Mỹ.

Hai là, về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt trí thức NVNONN về nước và tham gia tích cực vào hoạt động khoa học - công nghệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thực tế trong các vấn đề phát triển của đất nước. Nhiều chuyên gia NVNONN đã về nước sinh sống, làm việc hoặc có những dự án lâu dài, mang tính nền tảng, đóng góp thiết thực cho sự phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; góp phần đưa nền khoa học - công nghệ của Việt Nam đến gần với thế giới.

Những năm gần đây, thông qua các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với cộng đồng trí thức, chuyên gia  NVNONN do các cơ quan trong nước tổ chức, “sự quay vòng chất xám” diễn ra ngày càng sôi động hơn, đóng góp trực tiếp vào quá trình tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực, như năng lượng sạch, công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các chuyên gia, trí thức NVNONN đã trực tiếp kết nối, vận động các cơ quan chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp sở tại để hỗ trợ cung cấp vắc-xin cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị hữu ích liên quan đến phòng, chống dịch cho các cơ quan Trung ương và địa phương ở trong nước, thông qua hàng loạt chương trình trao đổi, tư vấn giữa đội ngũ bác sĩ, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài  trong lĩnh vực y tế với các cơ quan, người dân trong nước.

Ba là, về kinh tế, thương mại, đầu tư. Tính đến cuối năm 2022, người Việt Nam ở nước ngoài từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện 385 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn đầu tư của  NVNONN về nước theo các hình thức gián tiếp khác. Nhìn chung, các hoạt động đầu tư, kinh doanh của NVNONN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Kiều hối được đánh giá là một điểm sáng trong công tác phát huy nguồn lực NVNONN. Trong giai đoạn 1993 - 2022, lượng kiều hối của NVNONN gửi về nước đạt trên 190 tỷ USD, riêng năm 2022, con số này đạt gần 19 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước tăng ổn định hằng năm, kể cả trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19. Việt Nam nhiều năm liền thuộc tốp 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Các hiệp hội, hội đoàn doanh nghiệp, doanh nhân người Việt Nam tại các nước cũng tích cực phát huy vai trò kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước. Tháng 8-2009, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) được thành lập, với mục tiêu tạo lập môi trường hợp tác và trao đổi thông tin liên quan đến các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ tại Việt Nam và nước ngoài, giữa doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội trong và ngoài nước.

Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư; góp phần giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân; thúc đẩy vai trò cầu nối giao thương của NVNONN trong tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV