Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 được nhà máy Uralvagonzavod cho xuất xưởng lần đầu năm 1993, chính thức đưa vào trang bị cho quân đội Nga năm 1995. Mẫu đầu tiên có mật danh Obyject 188, vốn là một phiên bản hiện đại hóa sâu của tăng T-72B.
T-90 là sự kết hợp tối ưu các tính năng chiến đấu, cho phép đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất. Xe được trang bị pháo 125mm nòng trơn với độ chính xác cao, được ổn định trong 2 mặt phẳng; súng máy 7,62mm và súng máy phòng không 12,7mm; tổ hợp điều khiển bắn tự động số hóa và bộ ngắm ảnh nhiệt ngày/đêm; bộ nạp đạn tự động…
Tổ hợp chế áp quang/điện tử của xe dùng phương pháp tạo nhiễu làm giảm xác xuất bị tiêu diệt bằng các tên lửa chống tăng điều khiển, cũng như các phương tiện chống tăng chỉ thị mục tiêu bằng laser và máy đo xa của đối phương.
Trên xe tăng T-90 sử dụng: hệ thống bảo vệ tập thể trước vũ khí sát thương hàng loạt, hệ thống thiết bị chữa cháy nhanh, thiết bị tự đào hố, thiết bị vượt nước. Xe thực hiện các giải pháp kết cấu làm giảm khả năng bị phát hiện và dò theo bức xạ hồng ngoại mà xe phát ra.
Cấu trúc độc đáo
Bên trong xe tăng T-90 chia làm 3 khoang: khoang điều khiển cùng chỗ ngồi của thợ máy kiêm lái xe ở phần đầu xe; khoang chiến đấu với tháp pháo quay ở phần giữa xe; khoang máy và truyền động ở phần cuối xe. Trưởng xe ngồi bên phải và trắc thủ ngồi bên trái trong khoang chiến đấu.
Việc rút ngắn thể tích bên trong và mật độ phối trí cao đạt được do bố trí động cơ nằm ở mặt cắt ngang, do loại trừ được vị trí dành cho trắc thủ nạp nhờ sử dụng bộ tự động nạp và áp dụng một loạt các giải pháp mới về kết cấu.
Thân xe được hàn theo cấu trúc tương tự như thân xe T-72, đáy được dập, chi tiết mặt trước phía trên gồm nhiều lớp. Trong đó, lớp vỏ bằng cao su/vải trên xe (và bên mỗi sườn xe) được lắp các tấm chắn thép hình chữ nhật tạo nên sự bảo vệ động học bên trong. Trên mỗi tấm chắn như vậy có các giá đỡ để có thể lắp tấm chắn thứ 4.
Thợ máy-lái xe ngồi ở phần phía trước thân xe theo tâm xe và có cửa riêng. Ghế ngồi được cố định với nắp thân xe, điều đó tăng khả năng sống còn cho lái xe khi mìn chống tăng nổ dưới đáy xe. Để quan sát trên đường đi, T-90 được lắp đặt thiết bị quan sát với trường nhìn rộng. Điều khiển xe trong điều kiện ban đêm, tại vị trí trên có thể lắp dụng cụ nhìn đêm kiểu chủ động - thụ động.
Ngoài ra, có thể sử dụng thiết bị nhìn đêm dành cho thợ máy với bộ biến đổi quang điện tử tiên tiến và thiết bị nhận dạng mục tiêu trong điều kiện ban đêm ở chế độ thụ động đến 400m.
Hai thành viên còn lại của kíp chiến đấu được bố trí trên tháp. Tháp xe được đúc, được bảo vệ bằng lớp bọc thép hỗn hợp ở mặt trước trên các góc hướng đến 35 độ. Phần trước và nắp tháp cũng được phủ kín bằng các phần tử bảo vệ động học bên trong.
Với mục đích nâng cao khả năng bảo vệ kíp trắc thủ trên xe khỏi tác động phóng xạ, thân và tháp xe, tại các chỗ làm việc được phủ thêm lớp polimer chứa hyđrô có bổ sung các nguyên tố Bo và Chì. Vị trí của thợ máy-lái xe cũng được phủ lớp polimer nói trên.
Tăng T-90 lần đầu tiên được sử dụng thực chiến năm 1999. Một chiếc trong số đó đã trúng tên lửa chống tăng, tuy nhiên xe không hề hấn gì nhờ lớp giáp dày. Những chiếc T-90A được Nga viện trợ cho Syria tỏ ra rất hiệu quả. Từ năm 2015 đến hết năm 2018, quân đội Syria chỉ thiệt hại 4 chiếc T-90, trong đó chỉ có 1 chiếc bị trúng tên lửa TOW-2, tổ lái bỏ xe; 3 chiếc còn lại không bị phá hủy nhưng bị đối phương chiếm giữ vì tổ lái bỏ chạy giữa chừng.
Việc chỉ có 1 chiếc T-90A bị phá hủy sau 3 năm tham chiến (mà chủ yếu là do lỗi của kíp lái) là thành tích rất ấn tượng của T-90A so với các mẫu xe tăng phương Tây. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2020-2025, tăng T-90 chiếm 50% trong tổng số xe tăng của quân đội Nga, song song, các mẫu xe T-72, T-80 vẫn tiếp tục được sử dụng.
Cho đến nay, đã có ít nhất 5 phiên bản khác nhau của T-90 được phát triển, trong đó có phiên bản T-90SM dành cho xuất khẩu. Ngoài Nga, tăng T-90 còn được sử dụng bởi quân đội một số nước như Ấn Độ, Iraq, Algerie, UAE, Kuwait, Azebaijan..
Nguyên Phong