Dưới đây là những thói quen trở thành "đặc sản" của nhiều chị em phụ nữ khi cầm lái trên đường dễ khiến cánh đàn ông lắc đầu ngán ngẩm:

Đi giày cao gót lái xe

Nhiều chị em thường mang giày cao gót để tôn thêm vóc dáng cho mình. Tuy nhiên, việc đi giày cao gót để lái xe ô tô lại rất thiếu an toàn và tăng nguy cơ tai nạn bởi loại giày này có mặt đế tiếp xúc rất nhỏ, hẹp khiến chân dễ trượt khỏi bàn đạp và sàn xe.

giay cao got.jpeg
Giày cao gót tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn và có thể gây nhức mỏi khi lái xe. Ảnh: Hoàng Hiệp

Đôi gót dài có thể mắc kẹt vào thảm sàn làm vô hiệu hóa động tác của người lái. Hậu quả sẽ khó lường nếu đó là một tình huống phanh khẩn cấp. Ngoài ra, đi giày cao gót khiến tài xế luôn phải chúc mũi chân nên rất mỏi nếu đi đường dài. Do vậy, các chuyên gia về lái xe an toàn đưa ra lời khuyên cho các nữ tài xế nên để sẵn một đôi giày thấp hoặc giày thể thao trên xe và thay ra mỗi khi cầm vô-lăng.

Trang phục bó sát hoặc quá loè xoè

Ngoài giày cao gót, phái đẹp thường ăn vận những bộ đồ điệu đà như váy zip bó sát hoặc quần áo quá lòe xòe cùng những phụ kiện vướng víu, ảnh hưởng lớn đến các thao tác lái xe. Vạt váy dài có thể vướng vào chân ga, chân phanh gây nguy hiểm khi điều khiển xe. Còn khi mặc quần, váy bó sát khiến tư thế ngồi lái không thoải mái.

Trang phục phù hợp nhất khi lái xe là những đồ có chất liệu co giãn tốt, không quá rộng nhưng không bị chật gây khó chịu, vướng víu khi đánh lái.

Lơ đễnh quên cả mở gương, hạ phanh tay

Phụ nữ thường không rành về kỹ thuật và cũng ít để ý đến các tính năng trên xe, do vậy nhiều người chỉ bước lên là khởi động đi ngay mà không quan sát hay có động tác chỉnh gương, ghế, vô-lăng,... cho phù hợp. Thậm chí, không ít trường hợp một chiếc xe do nữ tài xế điều khiển đi cả cây số nhưng gương chiếu hậu vẫn đang đóng hoặc chưa hạ phanh tay.

Theo các chuyên gia lái xe an toàn, các tài xế cả nam và nữ cần bỏ ngay thói quen ra xe là ngồi lên đi ngay. Thay vào đó, nên dành chút thời gian nhìn qua các bộ phận như lốp, gương, kính, chỉnh ghế, vô lăng, đeo dây an toàn,... rồi mới bắt đầu chuyển bánh.

nghe dien thoai lai xe.jpg
Nhiều chị em có thói quen "buôn chuyện" điện thoại khi đang lái xe. Ảnh: Hoàng Hiệp

Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại để "buôn chuyện"

Sử dụng điện thoại để "buôn chuyện" hay nhắn tin, lướt mạng khi lái xe là một trong những nguyên nhân gây nên mất tập trung trên đường. Ngoài ra, nếu dùng tay để sử dụng điện thoại khi lái xe có thể bị CSGT phạt 4-6 triệu đồng theo Nghị định 168.

Để việc lái xe được an toàn và tập trung, chị em hãy tạm quên những tin nhắn hay những dòng thông báo trên mạng xã hội. Đồng thời, có thể tìm cách kết nối điện thoại với hệ thống âm thanh của xe để thoải mái gọi điện mà không cần rời tay khỏi vô lăng.

Ít để ý biển báo, dừng đỗ xe vô tội vạ

Nhiều chị em dù lái xe lâu năm nhưng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của các loại biển báo, vạch kẻ đường dẫn đến mắc phải các lỗi như đi sai phần đường, làn đường, đi vào đường cấm, vượt quá tốc độ, đỗ xe trái quy định,... Thậm chí, không ít trường hợp sẵn sàng dừng xe giữa đường để... đi chợ.

Để khắc phục, không có cách nào khác phải tập trung quan sát và tự trau dồi cho mình những kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, ý nghĩa các biển báo, vạch kẻ đường và tập trung quan sát khi cầm vô-lăng, vừa đảm bảo an toàn cho mình lại tránh được việc bị CSGT xử phạt gây "hao tiền tốn của".

nữ tài xế Mercedes
Một nữ lái xe sang sẵn sàng dừng xe ở giữa đường rồi bỏ vào trong nhà. Nguồn video: Otofun

Bật xi-nhan trái nhưng rẽ phải

Kiểu xi-nhan trái nhưng lại rẽ phải hoặc ngược lại khiến các phương tiện phía sau phải “toát mồ hôi” kèm theo ức chế. Không những vậy còn khiến chính mình bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Lỗi này thường do tài xế chưa làm quen được vị trí cần gạt xi-nhan, gạt nước. Ngoài ra, việc mất tập trung (nghe điện thoại, mải nghe nhạc, nói chuyện) cũng làm phân tâm suy nghĩ dẫn đến nhầm lẫn.

Phớt lờ các cảnh báo trên xe

Phụ nữ vốn không mấy để ý đến tình trạng kỹ thuật cũng như các loại đèn cảnh báo có phần phức tạp trên xe. Tuy vậy, khi các ký hiệu trên táp-lô đột nhiên bật sáng là khi chiếc xe muốn truyền tải thông điệp nào đó đến người lái. Ví dụ như có những loại đèn cảnh báo rất khẩn cấp như cửa chưa đóng, phanh tay chưa hạ, tụt áp suất lốp, bình xăng cạn hay xe bị quá nhiệt,....

Vì vậy, chị em khi lái xe cần nắm được những loại đèn cảnh báo cơ bản để kịp thời xử lý hoặc hỏi ngay người có hiểu biết để đảm bảo an toàn cho mình và phương tiện.

Bạn có góc nhìn như thế nào với nội dung trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Bài viết cộng tác xin gửi tới Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!