Năm 2014 là một quãng thời gian có nhiều biến động lớn được đánh dấu bằng những thương vụ mua bán và sát nhập (Mergers & Acquisitions) “không tưởng” của các ông lớn trong ngành game trên toàn thế giới. Trong đó, khoảng thời gian hoạt động ở Q3/2014 đã ghi dấu 5 thương vụ lớn nhất của năm nay với tổng trị giá lên tới 6,1 tỷ USD bao gồm:
1. Microsoft chi ra 2,5 tỷ USD để mua lại Mojang: một chiến lược đầu tư dài hạn nhằm nuôi dưỡng cộng đồng Minecraft cho các nền tảng cloud, mobile, thực tế ảo và thiết bị mặc được của Microsoft.
2. Facebook bỏ ra 2 tỷ USD để mua lại Oculus: một chiến lược đầu tư dài hạn nhằm vào tiềm năng phát triển trong tương lại của thiết bị thực tế ảo.
3. Giant Interactive tự bỏ 1,6 tỷ USD để tiến hành tư hữu hóa: chủ tịch và các nhà hỗ trợ tài chính của Giant tận dụng lợi thế quay vòng đầu tư, tự tin khẳng định Giant sẽ có giá trị hơn dưới danh nghĩa công ty tư nhân.
4. Amazon mua lại Twitch với 970 triệu USD: một bước đi cho thấy Amazon đang tăng tốc cả hai mảng video và game của mình, đồng thời ghi điểm cạnh tranh trên thị trường.
5. ZhongJi chi ra 960 triệu USD để mua lại FunPlus Games: doanh nghiệp Trung Quốc mua lấy con đường tiến vào tương lai của mình, cung cấp đội ngũ còn lại của FunPlus với nguồn tài chính dồi dào để tái đầu tư vào mảng mobile.
Thương vụ Oculus có thể coi là câu chuyện nổi bật và thú vị nhất trong năm qua. Khoan hãy nói tới chuyện Facebook sẽ áp dụng công nghệ thực tế ảo vào game hay lĩnh nào khác, nó là minh chứng cho thấy rằng người ta sẵn sàng đưa ra một cái giá cực lớn cho một ý tưởng mà không cần đến bằng chứng cụ thể ở tính thương mại.
Theo ghi nhận từ ngân hàng đầu tư game Digi-Capital ở Luân Đôn cho biết, trong 3 quý đầu năm 2014, tổng trị giá những phi vụ mua lại của các công ty game đã đạt đến 12,2 tỷ USD , lớn hơn 2 lần so với tổng số cả năm 2013.
Ngoài trừ các thương vụ lớn ở trên, tình hình mua lại và sát nhập của ngành game toàn cầu đang diễn ra ở mức tương tự với các ghi nhận trong năm 2013. Người mua từ Trung Quốc và Mỹ đã thống trị top 10 vụ giao dịch đình đám của năm nay, với con số ngang bằng nhau là 5 cho mỗi nước. So với năm 2013 khi có 9 trên 10 vụ giao dịch lớn nhất đều thuộc về công ty của Trung Quốc và Nhật Bản, ngành game Mỹ đang tỏ ra sôi động hơn rất nhiều trong năm 2014 vừa qua.
Hiện nay, lực thúc đẩy chính của ngành game toàn cầu là sức tăng trưởng của game online và game mobile, đặc biệt là game mobile khi đã mang lại 4,6 tỷ USD hoạt động M&A trong năm 2014. Digi-Capital dự tính rằng tổng doanh thu phần mềm game sẽ tăng từ mức 70 tỷ USD hiện tại lên 100 tỷ USD vào năm 2017. Game online và game mobile có khả năng đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 23,7% trong giai đoạn từ năm 2011 – 2017, vói tổng doanh thu đạt 60 tỷ USD vào năm 2017.
Ông Tim Merel, đại diện của Digi-Capital, chia sẻ rằng: “Các công ty được mua lại đến từ khắp nơi trên thế giới. Do vậy, các nhà đầu tư cần có những mối quan hệ ở khắp Châu Mỹ và Châu Á để có lối thoát tốt đẹp. Trong những năm gần đây, Châu Âu đang mang vai trò của ‘người bán’ thay vì ‘người mua’ trên thị trường như trước đây”.
Nhìn chung, 2014 là một năm đánh dấu kỷ lục của các thương vụ mua bán và sát nhập của ngành game thế giới, nhưng ai mà biết được chuyện gì sẽ diễn ra trong năm 2015 này?
Theo Trí Thức Trẻ