Như VietNamNet đã đưa, Công an tỉnh Hưng Yên đang phối hợp điều tra vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, xảy ra ngày 19/9 tại một khu đô thị ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Nghi phạm bắt cóc bé 2 tuổi ở Hà Nội được xác định là Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, ở Bắc Giang).
Hồi tháng 8, tại quận Long Biên, Hà Nội cũng xảy ra vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi để đòi tiền chuộc. Liên tục xảy ra các vụ bắt cóc trẻ em ở Hà Nội nhằm tống tiền khiến nhiều người lo lắng.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng, việc phụ huynh tự tìm hiểu kiến thức, rèn luyện kỹ năng trong việc ứng xử khi xảy ra tình huống con mình trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc trẻ em là cần thiết.
Theo luật sư, thông thường khi nghe tin con mình bị bắt cóc, phụ huynh, đặc biệt là phụ nữ sẽ cảm thấy rất hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh và có thể dẫn đến những quyết định sai lầm, gây lo lắng sợ hãi cho đối tượng gây án hoặc gây bức xúc cho kẻ bắt cóc, dẫn đến đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.
Tâm lý chung của kẻ bắt cóc là sợ bị phát hiện, bắt giữ. Do đó, tội phạm bắt cóc trẻ em sẵn sàng sử dụng hung khí để chống trả khi bị phát hiện, dùng mọi biện pháp để đe dọa nạn nhân và trốn thoát. Đối tượng cũng có thể thực hiện các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con tin để gây áp lực đối với người thân.
Chính vì vậy, quá trình giao tiếp với kẻ bắt cóc mà gia đình nạn nhân mất bình tĩnh, có yếu tố thách thức hoặc gây kích động đến kẻ bắt cóc, chúng có thể thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể, tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.
Trong một số trường hợp nạn nhân sợ hãi, la hét hoặc có hành vi chống đối, kẻ bắt cóc cũng có thể sát hại nạn nhân để che giấu hành vi phạm tội của mình. Có những trường hợp chiếm đoạt được tài sản rồi nhưng kẻ bắt cóc vẫn sát hại con tin để bịt đầu mối.
Trường hợp kẻ bắt cóc không đạt được mục đích cũng có thể dẫn đến trạng thái tâm lý bực tức mà thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con tin.
Người thân trong gia đình nạn nhân và lực lượng chức năng cần phải có những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho con tin.
Ứng xử phù hợp
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, nếu không may con mình bị bắt cóc, việc đầu tiên là phụ huynh phải bình tĩnh, tỉnh táo, bước đầu tạo ra sự yên tâm cho đối tượng gây án rằng chúng sẽ đạt được mục đích và an toàn. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho con tin.
Tiếp theo, phụ huynh cần kéo dài thời gian đàm phán, thu thập các thông tin về đối tượng gây án, đồng thời thông báo kịp thời sự việc cho Cơ quan Công an. Khi đó, Cơ quan Công an sẽ hướng dẫn phụ huynh đưa ra những thỏa thuận hợp lý để kéo dài thời gian phát hiện, xử lý đối tượng, để cho đối tượng yên tâm mà không thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể của con tin.
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, hành vi ứng xử của phụ huynh sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tính chất của từng vụ việc và tâm lý, nhận thức của đối tượng gây án. Nhưng mục tiêu hướng đến là phải làm cho kẻ bắt cóc trẻ em yên tâm, có thể đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản và không bị phát hiện xử lý.
Bước tiếp theo là cần phối hợp với cơ quan điều tra trong việc tiếp cận, giải cứu con tin và bắt giữ đối tượng gây án.
“Khi đã làm cho đối tượng gây án yên tâm, bớt căng thẳng, bớt lo âu, nạn nhân sẽ được an toàn. Thời gian càng kéo dài thì càng có thêm cơ hội để phát hiện, bắt giữ đối tượng gây án. Và để phát hiện bắt giữ đối tượng, giải cứu con tin an toàn thì việc trình báo sự việc với Cơ quan Công an cần làm càng sớm càng tốt”, lời luật sư Đặng Văn Cường.
Vẫn theo luật sư Đặng Văn Cường, vụ bắt cóc em bé 2 tuổi hôm 19/9 ở Hà Nội một lần nữa cho thấy, trẻ em có thể bị bắt cóc, bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe bất kỳ lúc nào, bởi bất kỳ đối tượng nào. Vụ việc là tiếng chuông cảnh tỉnh trong công tác bảo vệ trẻ em, đảm bảo cho trẻ em sống trong một môi trường an toàn.
Các bậc phụ huynh, các cơ sở giáo dục cần nâng cao ý thức cảnh giác, giáo dục kỹ năng sống và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tránh trường hợp trẻ em trở thành nạn nhân trong các vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.