Ngày 18/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03-Bộ Công an) phát đi thông báo đã ra quyết định khởi tố Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) cùng 5 bị can khác với cáo buộc vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau hơn một năm điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
Điều tra bước đầu xác định, vào tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Từ thời điểm trên đến lúc vụ án được khởi tố, Việt Á đã cung ứng kit cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Cơ quan điều tra cáo buộc, nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt cùng các nhân viên Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.
Điển hình trong việc "chi tiền ngoài hợp đồng" là việc Việt bị cáo buộc chi phần trăm cho Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến số tiền gần 30 tỷ đồng (trích ra từ 5 hợp đồng tổng giá trị 151 tỷ đồng).
Vụ án sau khi được khởi tố thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Rất nhanh sau đó, đại án Việt Á thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Sau hơn một năm điều tra, những diễn biến bất ngờ về vụ án, số lượng bị can bị khởi tố đã phần nào khẳng định rằng sai phạm tại đại án Việt Á là điển hình về tham nhũng có hệ thống do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương.
Từ khi khởi tố vụ án đến nay, C03 - Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố 29 vụ án với hơn 100 bị can, phong tỏa kê biên hơn 1.700 tỷ đồng.
Trong cả trăm bị can bị khởi tố, có 3 nguyên Ủy viên T.Ư Đảng gồm: Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Ngoài Bộ Y tế và Bộ KH&CN, liên quan đến đại án Việt Á còn có 24 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng.
Đáng chú ý, trong vụ án này, cơ quan điều tra cáo buộc ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý Phó Thủ tướng đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp các đơn vị có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 trái pháp luật.
Khi đề cập đến đại án Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là vụ án rất phức tạp, gây rất nhiều bức xúc trong công luận và được dư luận, nhân dân quan tâm theo dõi.
"Có đặc điểm ở những bị can là rất nhiều trong số họ là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo. Họ đã lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm các quy định về đấu thầu, đưa hối lộ và nhận hối lộ", Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Ngoài ra, ông Xô cho biết, vụ Việt Á - họ rất nhiều tiền, Phan Quốc Việt khai kiếm lãi 4.000 tỷ, bôi trơn khoảng 800 tỷ. Các bị can tại Công ty Việt Á còn dùng nhiều phương thức để chuyển tiền cho các lãnh đạo CDC một số tỉnh thành, có cả chuyển qua tài khoản chính chủ và tài khoản nhờ của người nhà (như vợ, mẹ vợ, em vợ của người nhận) và cả đưa trực tiếp bằng tiền mặt.
Tại cuộc họp báo đầu năm 2023, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, liên quan đến vụ án Việt Á, cơ quan điều tra cố gắng kết thúc điều tra trong quý 1/2023. Tuy nhiên, ông Tô Ân Xô cũng khẳng định rằng "án tại hồ sơ nên về cơ bản mục tiêu đề ra như thế, nhưng không loại trừ khả năng có thêm tình tiết mới".
Ngày 23/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Tại đây, đề cập về việc kỷ luật và xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế và Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch Hà Nội do liên quan đến công ty Việt Á, Tổng Bí thư khẳng định lại tinh thần trong công tác phòng, chống tham nhũng "rất kiên trì, rất nhân văn, có lý, có tình và rất có bài bản, hết sức thuyết phục". "Cả hai lúc đầu chưa nhận thức hết. Nhưng cuối cùng đều nhận thức được và hứa hẹn rằng sẽ sửa chữa. Sau khi mất chức Ủy viên Trung ương, mất chức Bộ trưởng, ngay chiều hôm ấy, cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra. Chúng ta phòng, chống tham nhũng làm rất bài bản như thế", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ. Về ý kiến cho rằng “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc”, Tổng Bí thư cho rằng, không lo không có cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. |
Bài 3: Những việc nhạy cảm khi điều tra hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát