Điều đầu tiên tôi cảm nhận được sau khi TI7 kết thúc chính là sự dữ dội và nhanh chóng của nó. Cả ngày trôi đi quá nhanh, và tôi chẳng kịp nhận ra cho đến khi Team Liquid nâng chiếc khiên của những nhà vô địch. Khi tôi bước vào nhà thi đấu trung tâm thông qua lối đi dành cho báo giới, tôi thấy Team Liquid đứng ở gần cổng ra, cười đùa với nhau khi bàn chiến thuật, một vài người thì đứng hút thuốc chờ đến lượt ra thi đấu.
Tám tiếng sau, những người tôi vừa đứng cạnh đã nâng cao trên tay chiếc Aegis, thứ chứng minh họ là kẻ giỏi nhất.
Đây là kỳ TI đầu tiên tôi tham dự. Mặc dù đã chơi, theo dõi tin tức kể từ kỳ TI đầu tiên, mãi đến bây giờ tôi mới có cơ hội hiếm hoi được tận mắt chứng kiến những gã game thủ giỏi nhất hành tinh tranh giành giải thưởng cả chục triệu Đô giữa nhà thi đấu Key Arena ở Seattle. Như một lẽ dĩ nhiên, tôi tìm đến những người có kinh nghiệm hơn, đã trải qua cảm giác shock toàn tập giống hệt như tôi khi lần đầu đứng giữa một sự kiện hàng triệu người cùng theo dõi như thế này.
Họ chia sẻ cho tôi không ít những thứ có ích: "Cố gắng ăn ở ngoài nhà thi đấu cho sáng sủa. Đi bộ vài vòng khi nghỉ giữa hiệp, đừng ngồi lỳ một chỗ. Một số hàng ghế ngồi sướng hơn vì có chỗ để chân thoải mái hơn. Muốn mua đồ lưu niệm ở Secret Shop thì hãy ra sớm vì xếp hàng đông lắm..."
Thứ gây shock đầu tiên cho bất kỳ ai có cơ hội lần đầu tiên tham dự một kỳ The International, không phải dưới danh nghĩa game thủ chuyên nghiệp mà thay vào đó là một khán giả, chính là quy mô quá hoành tráng của giải đấu. Bạn có thể tưởng tượng ngồi ở nhà xem stream và replay trên Twitch và YouTube, bạn có thể nghĩ mình biết những tiếng hò hét gào rú giữa những pha highlight của các gosu khủng đến đâu. Thực tế thì sự sôi động đó phải nhân lên gấp 20 lần mới đủ. Nó cứ như thể thao truyền thống vậy. Những tiếng hò reo, những tấm bảng hiệu cổ vũ các team, và quan trọng nhất chính là tình yêu với tựa game này của những người có mặt tại đây là vô giá.
Ở đâu cũng nói về DOTA 2. Nó là thứ duy nhất ngự trị trong tâm trí những khán giả đến đây tham dự giải đấu: "Này ông pick ai vô địch trong Compendium thế? Đêm qua có đứa hạ gục AI của lão Elon Musk đấy, kinh chưa! Ơ hay tại sao cái team này cứ pick Wyvern hoài vậy?"
Với những người mới chơi, lượng thông tin đó là quá nhiều, phải khẳng định vậy. Có không ít người đến với DOTA 2 thông qua chính giải đấu The International. Họ được bạn bè rủ rê tới theo dõi, hoặc đơn giản là thích eSports nhưng hiểu hơn về LMHT hay CS:GO hơn là DOTA 2. Nhưng ở đây, chỉ có một thứ duy nhất kết nối hàng vạn con người ngồi trong nhà thi đấu với nhau: Những pha xử lý của 10 game thủ ngồi trong cái phòng cách âm nhỏ bé giữa sàn đấu.
Những pha hò reo của khán giả khiến cho bạn, ngay cả khi chẳng biết gì về DOTA 2 cũng có thể gào thét khản cổ theo. Họ đứng dậy trong ngạc nhiên sau một pha Reaper's Scythe, hay một màn Epicenter khiến 3 hay 4 game thủ đối phương bị hạ gục. Giữa âm thanh ầm ĩ của game, và tiếng gào của bình luận viên, là tiếng hò hét của người hâm mộ!
Nhắc đến người hâm mộ, thì ở The International, họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Ở một góc, vài người cổ vũ cho DC thì hô vang "USA", nhưng ở một góc khác thì những game thủ DOTA 2 Trung Quốc cổ vũ cho các team nước họ. Những cụm từ như "L-F-Y" hay "New-Bee" cứ vang lên mỗi trận đấu có người Trung Quốc tham dự.
Bỏ qua việc phân hóa về sự hâm mộ như vậy, tất cả họ đều cùng chung một cộng đồng rất lớn. Họ có cách thể hiện tình yêu khác nhau đối với game. Tôi đã gặp một đôi vợ chồng trẻ đến TI7 như một cách hưởng tuần trăng mật. Một anh chàng khác thì mang lá Quốc kỳ của anh đến tận nhà thi đấu cổ vũ cho những game thủ anh yêu mến.
Giữa một biển người theo nghĩa đen như vậy, chẳng chóng thì chầy bạn cũng sẽ muốn ra ngoài hít thở không khí trong lành mà thôi, nhân tiện ăn nhẹ cái gì đó cho đỡ mệt. Red Bull thậm chí còn làm cả một LAN center gần đó, nơi bạn có thể trả tiền chơi game, ăn uống và nghỉ ngơi chẳng khác gì quán net. Hầu hết máy ở đây đều được các fan DOTA 2 chiếm dụng. Nhưng ở một góc nào đó, vẫn có những anh chàng quyết tâm giành top 1 trong Battlegrounds, hay có những màn chơi cùng bạn bè trong Street Fighter V.
Trong những ngày như thế này, Seattle bỗng nhiên trở thành thủ phủ của DOTA 2. Đi đến đâu cũng có thể gặp những anh chàng, cô nàng mặc trên người những bộ đồ có in logo với biểu tượng con sông và hai phe đối nghịch không thể nhầm lẫn của tựa game này, từ ga tàu điện, nhà hàng đến cả ngoài đường. Ngay cả người dân ở đây cũng coi The International là một cơ hội kích thích du lịch.
Chủ cửa hàng thậm chí còn hỏi tôi prize pool năm nay mấy chục triệu Đô rồi. Một anh chàng tài xế taxi thì khoe khoang về kiến thức DOTA 2 dù anh chàng chẳng thèm chơi. Một ông tài xế gốc Nga khác thì không chịu dừng về việc ông yêu Virtus Pro như thế nào, vì họ chơi game quá cống hiến, "khô máu". Nhà hàng lẩu thì hết sạch cả đồ ăn nếu bạn đến muộn. Nó không chỉ là một giải đấu quy mô thể thao điện tử, mà còn là một sự kiện mang tầm vóc quốc tế, ảnh hưởng rất lớn đến thành phố xinh đẹp này.
Quay trở lại với nhà thi đấu Key Arena, thứ tồn tại duy nhất chính là sự hào hứng của khán giả. Mỗi trận đấu mới lại khiến game thủ phát cuồng với những dự đoán và lối chơi của từng team. Có thể họ hò reo vì một game thủ được cầm hero tủ, hay đội kèo dưới chiến thắng một cách bất ngờ, và cũng có thể đó là câu chuyện của một đội tuyển bị rớt xuống kèo dưới nhưng thắng như chẻ tre và trở thành nhà vô địch.
Không có những câu nói theo kiểu phân biệt đối xử hay chủng tộc ở đây. Họ đều yêu game, và đều tôn trọng lẫn nhau. Dù họ vẫn có niềm tự hào dân tộc riêng, nhưng người Trung Quốc vẫn nể sợ Kuroky, và dân DOTA 2 ở Mỹ vẫn yêu mến Sccc qua các pha xử lý.
Ở trận chung kết, xem xong pha first blood, tôi được nhận một cái hòm Crimson Witness, mở ra xong nhận được một món đồ của Spectre, check trên market thì giá hơn 200 USD! Nhưng có lẽ tôi sẽ không bán nó đi đâu. Nó mang theo kỷ niệm của tôi về kỳ The International đầu tiên được tham dự, bất chấp việc tôi farm bằng Spectre dở tệ. Nó là thứ nhắc nhở tôi về bầu không khí tại đây, khi hàng nghìn người gào thét khi một team dành chiến thắng, nhìn thấy pháo hoa giữa sàn thi đấu sau khi Team Liquid chiến thắng Newbee,...
Những gì bạn thấy khi ngồi xem game ở nhà cũng chính xác là những gì diễn ra trong Key Arena. Nó là một sự kiện kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới lại thông qua tựa game họ đều yêu mến, thông qua những trận đấu nghẹt thở. TI7 là một cảnh tượng hoành tráng, ồn ào và đầy sắc màu.
Theo GameK