Thủ đô sẽ làm gì để thực hiện kế hoạch phát triển đó từ những kinh nghiệm và bài học trong quá khứ?
Lỡ hẹn mục tiêu công nghiệp hóa
Cách đây đúng 10 năm, Bộ Chính trị đã giao cho Thủ đô Hà Nội một nhiệm vụ nặng nề như là đầu tàu kéo đoàn tàu kinh tế của cả nước: Phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Nhiệm vụ đó được đưa ra trong Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa 11) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 do Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người từng gắn bó với Thủ đô nhiều năm trước đó, ký ban hành ngày 6/1/2012.
Kỳ vọng của Bộ Chính trị cho Thủ đô nói riêng và cho cả nước nói chung trong việc đặt mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 là rất đúng đắn và xác đáng. Với nền tảng phát triển thấp, nền kinh tế của đất nước cần đi nhanh, bền vững mới tránh được tình trạng tụt hậu và vươn lên bắt kịp với các nền kinh tế khác trong khu vực.
Song thật đáng tiếc, vì nhiều lý do, mục tiêu này đã không hoàn thành được như kỳ vọng.
Cho đến Đại hội 13 của Đảng vừa qua, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến 2020 được nhìn nhận là không thành công. Nghị quyết Đại hội công nhận: “…việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra”.
Về phần mình, cũng như cả nước, Hà Nội cũng không thể hoàn thành mục tiêu này sau hơn một thập kỷ với nhiều đời lãnh đạo, nhiều kỳ phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn thừa nhận điểm yếu này. Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11, ông khẳng định: “Một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu hoàn thành sớm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa so với cả nước”.
Trên thực tế, để hoàn thành mục tiêu này, Hà Nội phải hoàn thành một cách tổng thể hàng loạt chỉ tiêu thành phần trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa...
Đó là điều khá khó khăn, mà ví dụ là việc phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Cách đây hơn 4 năm, UBND TP Hà Nội ban hành đề án "Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP đến năm 2020, định hướng tới năm 2025" với mục tiêu những sản phẩm được công nhận sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp Thủ đô.
Cho đến cuối năm ngoái, Hà Nội tổng kết lại chương trình này với nhiều số liệu: “Mỗi năm, các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp TP Hà Nội; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD với 80.000 lao động. Năm 2021, 77 DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP đã nộp thuế 8.000 tỷ đồng”.
Những con số đó nếu mang ra so sánh sẽ thấy tình thế khá chênh vênh của ngành công nghiệp Thủ đô. Chẳng hạn, tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt gần 2 tỷ USD năm 2021, tức chưa bằng 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước là hơn 336 tỷ USD. Bên cạnh đó, chỉ 77 DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ lệ vỏn vẹn 0,024% trong tổng số 324.000 DN của Hà Nội.
Nêu những con số trên không phải để phủ nhận những nỗ lực của chính quyền hay DN Thủ đô, mà để thấy rằng, không gian cho phát triển còn mênh mông, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Hà Nội nói riêng còn rất nhiều việc để làm.
Báo cáo tổng kết của Hà Nội tự nhận xét: “Thủ đô chưa tận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội theo Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và luật Thủ đô; chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, trung tâm, động lực phát triển vùng và cả nước; năng lực cạnh tranh, vị thế của Hà Nội trong khu vực và thế giới còn khiêm tốn”.
Nhìn nhận về thực trạng này, TS Trần Đình Thiên nói: “Hà Nội nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém không phải là để phê phán hay đổ lỗi mà việc đó giúp tìm ra được những giải pháp khắc phục”.
Những dấu mốc hàng đầu
Tất nhiên, chỉ nói về hạn chế, yếu kém sẽ là phiến diện và không công bằng. Trên thực tế, Thủ đô đã đạt không ít các thành tựu kinh tế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 11.
Kinh tế duy trì tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,83%/năm, bằng 1,15 lần cả nước. GRDP/người đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010.
Môi trường đầu tư, kinh doanh ở Thủ đô - nơi luôn được ví von là “Hà Nội không vội được đâu” - đã được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 27 bậc, từ vị trí 36/63 năm 2011 lên vị trí số 9 năm 2020.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Giai đoạn 2011-2020 có hơn 206.000 DN thành lập mới, chiếm gần 65% tổng số DN được thành lập lũy kế kể từ năm 1992, giải quyết khoảng 83% lao động.
Trong giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 2,77 triệu tỷ đồng, chiếm 38,34% GRDP. Điều này có nghĩa, huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư xã hội cho phát triển được đẩy mạnh.
Thu ngân sách hằng năm đều tăng và vượt dự toán. Năm 2010 đạt 108,301 nghìn tỷ đồng; năm 2021 đạt 265,77 nghìn tỷ đồng; lũy kế giai đoạn 2011-2020 đạt gần 2 triệu tỷ đồng.
Những thành tựu kinh tế như trên và hơn nữa, theo Bí thư Thành ủy, là nhờ những nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo trong việc hoàn thiện và phát triển các giải pháp thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thủ đô mà Nghị quyết 11 yêu cầu.
Nhìn về tương lai, ông Dũng cho rằng, còn rất nhiều không gian ở cả trong kinh tế, văn hóa, con người... để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của đất nước.
Những nút thắt cần tháo gỡ Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Nhiều tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch. Phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị thế, tiềm năng và nền tảng lịch sử - văn hoá ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn nhiều bất cập. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Liên kết, hợp tác giữa Thủ đô với các địa phương trong vùng và cả nước chưa hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; việc xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và công tác cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, cá biệt còn có cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, xử lý hình sự. |
Kỳ tới: Giấc mơ tăng trưởng của Thủ đô
Tư Giang - Lan Anh