Ngồi đọc lại những trang nhật ký bên ngôi mộ của chồng mình, tại một nghĩa trang trên địa bàn TP. Hòa Bình, nước mắt bà Nguyễn Thị Hồng Mai (66 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại rưng rưng. 

Bà Mai cho biết, chồng bà đã mất được 1 năm 8 tháng, nhưng bà chưa thể nguôi ngoai, vì những gì hai vợ chồng dành cho nhau còn hơn cả một cuộc tình.

“Hai vợ chồng tôi là bạn từ thời phổ thông, chúng tôi đã gắn bó với nhau hơn 40 năm. Khi anh ấy ra đi, tôi như mất một nửa cuộc đời. Tôi nghĩ, tôi sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm mà chúng tôi dành cho nhau”, bà Mai bật khóc.

W-tao-mo-lac-hong-vien-1.jpg
Bà Nguyễn Thị Hồng Mai bên phần mộ của chồng

Bà Mai cho biết, hai vợ chồng bà là tri kỷ của nhau, mọi chuyện buồn, vui đều tâm sự cho nhau biết. Dù khoảng cách từ nhà đến mộ chồng ở công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (tỉnh Hòa Bình) rất xa, nhưng cuối tuần nào bà cũng lên đây để "tâm sự" với chồng.

“Tôi không hóa vàng trên phần mộ của chồng mình, thay vào đó tôi hóa nhật ký mà tôi viết cho chồng mỗi ngày”, cô chia sẻ. Sau một tuần viết nhật ký, cô Mai lại in ra để lên phần mộ chồng mình. "Dịp tảo mộ cuối năm cũng vậy, thay vì đốt vàng mã, tôi sẽ đốt những trang nhật ký, hy vọng anh ấy sẽ nhận được", bà Mai nói.

Bà Mai bắt đầu viết nhật ký từ khi ông mới bị hôn mê, với mục đích khi nào tỉnh dậy, ông sẽ đọc được. Thế nhưng, ông trời đã không cho toàn ý.

Đến hiện tại, bà Mai đã viết được 5 cuốn nhật ký gửi cho chồng. “Nội dung đều là những câu chuyện hàng ngày, tôi viết ra để kể cho chồng. Hiện tại, 5 cuốn nhật ký của tôi có khoảng 500 trang”, bà Mai nói.

W-co-mai-1.jpg
Những trang nhật ký được bà Mai mang đến mộ chồng

Mỗi lần có chuyện buồn, bà Mai đều viết vào nhật ký. Vì mỗi khi viết xong, bà cảm thấy nguôi ngoai hơn.

“Chồng tôi là một người sống rất tinh tế và tình cảm. Chính vì thế, có chuyện vui, buồn cả hai đều chia sẻ cho nhau. Mỗi lần viết vào nhật ký, tôi như được trò chuyện với chồng, lúc đó tôi lại vơi đi nỗi nhớ”, bà Mai chia sẻ.

Bà Mai nhớ lại thời cả 2 đi du học ở nước ngoài. Những năm tháng đó, công nghệ chưa phát triển, không thể gọi điện cho nhau thường xuyên, mà chủ yếu viết thư tay. “Tôi và anh ấy thường nói, chuyện tình của chúng tôi là qua những bức thư. Lúc đó, chúng tôi viết cho nhau hơn 100 bức, đến giờ tôi vẫn giữ làm kỷ niệm”.

Người dân tất bật đi tảo mộ

Tảo mộ ngày giáp Tết là một trong những phong tục tốt đẹp của người Việt Nam, nhắc nhở con cháu về tấm lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Đây là dịp để người còn sống thể hiện tấm lòng với người đã khuất.

Lễ tảo mộ thường bắt đầu từ ngày 10 đến 30 tháng Chạp. Tảo mộ, hay còn được gọi là chạp mả, là việc dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của gia đình, tổ tiên vào ngày trước Tết.

W-tao-mo-lac-hong-vien-6-1.jpg
Ngày cuối tuần dịp cận Tết, người dân tấp nập đi tảo mộ

Năm nay đã 86 tuổi nhưng ông Nguyễn Viết Nguyên vẫn vượt hàng chục kilomet về nơi an nghỉ của vợ để thắp hương và mời bà về đón Tết cùng gia đình. “Bà mất đã được 6 năm. Mỗi năm tôi đều lên vài lần để thăm bà”, ông Nguyên cho biết.

Ông Nguyên kể, mỗi lần lên thăm, gia đình thường đi từ 5h sáng, tới nghĩa trang vào khoảng 7h, để có nhiều thời gian hơn chăm sóc phần mộ của bà.

W-tao-mo-lac-hong-vien-7-1.jpg
Ông Nguyễn Viết Nguyên đang chuẩn bị lễ bên phần mộ của người vợ quá cố

“Những ngày cận Tết, tôi thường đưa con cháu lên phần mộ của gia đình, để các thế hệ sau tưởng nhớ những người đã mất và giáo dục cho con cháu truyền thống của dân tộc”, ông Nguyên cho biết.

Anh Nguyễn Duy Đức đã vào TP. HCM sinh sống được gần 20 năm. Tuy nhiên, từ khi bố anh qua đời, hàng năm trước ngày 23 tháng Chạp, anh Đức đều ra Bắc thăm mộ và mời bố về ăn Tết.

W-tao-mo-lac-hong-vien-3-1.jpg
Mỗi dịp Tết đến, anh Đức (quàng khăn) lại từ TP.HCM ra thăm mộ bố

“Tất cả những tình cảm ngày trước ông dành cho mình, mỗi lần lên đây, mình lại nhớ về. Để biết ơn đấng sinh thành, năm nào mình cũng ra đây để sửa sang lại phần mộ của ông và mời ông về ăn Tết”, anh Đức kể.

Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tục tạ mộ, tảo mộ với người Việt đã có từ rất lâu. Hàng năm, khi Tết đến xuân về, các gia đình về nơi mộ phần dòng tộc ở quê hoặc ở nơi nào đó có người thân đã được an táng để tảo mộ.

Đại đức Thích Trí Thịnh cho biết, ở mộ phần, con cháu sẽ dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần, quét dọn, phát cỏ cây, sơn sửa lại sau thời gian dài không lên thăm.

Tục tảo mộ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu. Nhân dịp cuối năm, mọi người quây quần, sum họp để thực hiện nghi thức, nghi lễ tạ mộ, tảo mộ. Nghi thức đó là để mời tổ tiên, ông bà, những người đã khuất về với con cháu vui xuân đón Tết.