Báo cáo Sở GTVT Hà Nội về phương án thu phí vào nội thành, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (đơn vị trực thuộc Sở GTVT) và đơn vị tư vấn thuộc Đại học GTVT cho biết, việc lắp đặt trạm thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thí điểm áp dụng theo từng bước, từng giai đoạn.
“Trong đó, giai đoạn thí điểm thu phí sẽ đảm bảo yêu cầu thí điểm theo khu vực hẹp. Giai đoạn 2 mở rộng diện tích thu phí ra khu vực bờ Nam sông Hồng. Đến giai đoạn 3 mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng”, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho hay.
Theo đó, giai đoạn thí điểm từ năm 2024-2025, đơn vị tư vấn đề xuất lập 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, nguy cơ cao ùn tắc giao thông. Đến 30/11/2025, sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.
Sang giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), Hà Nội sẽ mở rộng vùng thu phí ô tô phía bờ Nam sông Hồng. Cụ thể, khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Sau năm 2031, TP Hà Nội sẽ thực hiện giai đoạn 3, mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, Hà Nội có thể thí điểm thu phí ô tô vào nội thành trong năm 2024. Do vậy, cơ quan này đề nghị thành phố nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thu phí trong giai đoạn 2022-2023 để có thời gian triển khai các bước tiếp theo.
Nên ‘co’ lại vùng thí điểm thu phí ô tô
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội nên thu phí ô tô vào nội đô một cách đồng bộ. Bởi theo ông, nếu thành phố chỉ thí điểm một vài vị trí nào đó, người dân có thể tìm cách ‘né’ sang tuyến đường khác để tránh bị thu phí.
“Như vậy, sẽ gây áp lực giao thông sang tuyến đường khác. Lúc đó mục tiêu thu phí giảm ùn tắc giao thông trong nội thành sẽ không đạt được”, ông Bình nêu quan điểm.
Từ những lo ngại trên, Tiến sĩ Phan Lê Bình đề xuất ngành giao thông Hà Nội thí điểm thu phí vào nội đô theo hướng "co" nhỏ phạm vi đặt các trạm thu phí. Cụ thể, theo ông Bình, thay vì thí điểm làm một vài trạm thu phí ở Vành đai 3, thì Hà Nội có thể thu phí tất cả các tuyến đường từ Vành đai 2 vào nội thành.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, thu phí theo diện rộng sẽ bao phủ hết các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Với phương án này, thành phố có thể bố trí quỹ đất cho các bãi đỗ trung chuyển giữa xe cá nhân với phương tiện giao thông công cộng.
“Việc thu phí theo diện rộng ít mang lại hiệu quả cao về mặt giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, có thể khắc phục bằng các biện pháp quản lý xe ô tô cá nhân ở bên trong vành đai thu phí như việc quản lý đỗ xe hoặc bằng cách thu phí đa vành đai”, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội lý giải.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cũng cho rằng, nếu vùng thu phí quá rộng cũng không mang lại hiệu quả. Trong khi đó chi phí đầu tư và vận hành bảo trì hệ thống thu phí cao, vì phải bố trí nhiều cổng thu phí so với phương án thu phí theo vùng hẹp.
“Mặt khác, vùng thu phí rộng hoặc thu đa vành đai cũng có nhược điểm là khó được dư luận xã hội chấp thuận hơn thu theo một vành đai hẹp”, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho hay.
Từ những phân tích trên, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Lộ trình thu phí được thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn khác nhau. Sau giai đoạn thí điểm ở các tuyến đường vào nội đô có nguy cơ ùn tắc giao thông, thì TP Hà Nội mới mở rộng ra các vùng phái Nam và Bắc sông Hồng.