Mới đây nhất, tại huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã xảy ra một vụ cháy chợ nghiêm trọng vào lúc rạng sáng ngày 3/12.

Theo cơ quan chức năng, vụ cháy lớn xảy ra vào rạng sáng, tuy nhiên, do đội PCCC ở cách xa chợ, cộng thêm trời mưa lớn nên công tác triển khai lực lượng PCCC phải mất 1 giờ mới có thể tiếp cận được hiện trường.

Phải mất hơn 4 giờ đồng hồ, lực lượng PCCC mới có thể khống chế được ngọn lửa. Tuy nhiên, vụ cháy đã để lại hậu quả nặng nề khi 335 sạp hàng và ki-ốt đã bị thiêu rụi với diện tích lên tới gần 2.200m2.

Trước đó, vào ngày 7/5, tại chơ biên giới Ea Súp (Đăk Lăk) cũng xảy ra một vụ cháy lớn khiến hàng trăm ki-ốt bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo lực lượng chức năng, lực lượng PCCC cùng các tiểu thương, người dân đã nỗ lực hết mình để khống chế đám cháy, tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cộng thêm hàng hóa trong chợ dễ bắt lửa nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

chay-cho-1-1.jpg
Hiện trường vụ cháy chợ tại Thừa Thiên Huế

Có thể thấy, bên cạnh việc tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC tại các chợ truyền thống, việc áp dụng các chiến thuật, phương pháp, kỹ thuật chữa cháy tại các chợ truyền thống cũng cần phải được triển khai đúng hướng để có thể giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Do đó, khi triển khai chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các vụ cháy chợ truyền thống, cần phải lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, khi tiếp nhận tin báo cháy nổ, các cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận thông tin báo cháy cần nắm được đầy đủ thông tin về khu vực xảy ra cháy, quy mô, chất cháy, tình trạng người bị nạn và khả năng lan truyền của đám cháy, hoạt động chữa cháy của lực lượng tại chỗ.

Qua đó, báo cáo chỉ huy để nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện, các phương pháp chữa cháy phù hợp với tính chất của đám cháy. Khẩn trưởng thông báo lệnh điều động, huy động đến các đơn vị, cơ quan, tổ chức tại địa phương để nhanh chóng triển khai các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thứ hai, khi điều động phương tiện chữa cháy, cần phải huy động xe chữa cháy, xe thang, xe vươn, xe cẩu, xe cứu nạn cứu hộ, xe thông tin ánh sáng, xe cứu thương, máy hút khói…

Đối với những vụ cháy có quy mô lớn, chỉ huy chữa cháy cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để nhanh chóng điều động thêm các lực lượng, phương tiện hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức gần nhất để phối kết hợp chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Thứ ba, khi tới hiện trường, chỉ huy chữa cháy cần nhanh chóng triển khai công tác trinh sát đám cháy. Các tổ trinh sát phải có tối thiểu 3 cán bộ, chiến sĩ, yêu cầu cán bộ quản lý của chợ cùng tham gia trinh sát để nhanh chóng nắm bắt tình hình.

Đồng thời, triển khai nắm bắt thông tin ban đầu của vụ cháy thông qua Ban quản lý chợ, người dân, những hộ kinh doanh buôn bán tại chợ để kịp thời nắm bắt về đặc điểm của khu vực xảy ra cháy, xác nhận có người bị nạn, mắc kẹt trong đám cháy không, xác định nguồn nước tại chỗ để thực hiện công tác chữa cháy.

Thứ tư, khi triển khai chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, cần tổ chức thành nhiều mũi, nhiều hướng với sự hỗ trợ của các thiết bị chữa cháy chuyên dụng và đồ bảo hộ đảm bảo theo quy định.

Thái Khang và nhóm PV, BTV