Việc Simon "SMN" Beck bị cấm thi đấu tại giải ESEA vì sử dụng cheat trong trận đấu đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới danh dự của anh đồng thời tạo ra vết nhơ đối với bộ môn cạnh tranh Counter-Strike. Bản thân Beck tuy là người có lỗi song anh vẫn ngoan cố không thừa nhận, thậm chí còn đổ thừa rằng có đến 30% tuyển thủ chuyên nghiệp hiện nay cũng gian lận kèm theo một bảng danh sách các xạ thủ hàng đầu. Sự vụ trên chưa qua được bao lâu thì ban tổ chức DreamHack lại tiếp tục cấm 2 tuyển thủ hàng đầu của Pháp là Hovil "KQLY" Tovmassian và Gordon "Sf" Giry vì có hành vi gian lận nhờ vào phần mềm Valve Anti Cheat, những người còn lại thì vẫn luôn nằm trong vòng nghi ngờ. Kể từ đó đến nay, lòng tin của cộng đồng game thủ đối với bộ môn này đã bị giảm sút đáng kể khi ngay tại các giải đấu lớn mà cheat, hack vẫn hiện hữu.
Nếu nhìn vào lịch sử của Counter-Strike, bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều kẻ gian lận vẫn luôn khoác cho mình cái danh "tuyển thủ chuyên nghiệp". Sở dĩ có chuyện như vậy cũng chính bởi eSports đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và đầy rẫy cám dỗ, chỉ với một giải đấu bạn có thể dễ dàng kiếm được hàng chục ngàn USD tiền thưởng, chưa kể mỗi năm lại có nhiều giải đấu lớn nhỏ khác nhau. Do vậy, những vụ bê bối gần đây cũng không phải là điều ngạc nhiên.
Năm 2009, đã từng có một cheat khét tiếng xuất hiện tại thời điểm đó có tên là vent.exe. Nó được thiết kế trông giống như một phần của chương trình voice chat Ventrilo thời bấy giờ với kích cỡ khoảng 170kb, rất dễ mang theo bên mình và cài đặt. Đây là một cheat aimbot (auto headshot) tương đối đơn giản và rất khó nhận biết nếu bạn không phải là game thủ lão luyện. Người chơi có thể bật tắt trình aimbot này bằng phím numlock, sau đó chỉ cần chĩa súng ở khoảng cách từ ngực trở lên và bắn là headshot, tuy nhiên nó chỉ hiệu quả khi ở gần mục tiêu. Cheat này được phát hiện tại giải Benelux Gaming LAN, tác giả của nó ban đầu chỉ chia sẻ với một số người, tuy nhiên ngày càng có nhiều người biết đến nó.
Vent.exe đã trở thành một cụm từ thông dụng ám chỉ việc gian lận trong bộ môn Counter-Strike và khiến nhiều tuyển thủ chuyên nghiệp khốn đốn khi bị tố cáo. Trường hợp điển hình ở đây là Ladislav "Guardian" Kovacs, tuyển thủ CS:GO chuyên nghiệp người Slovakia, chỉ trong một năm anh đã trở thành tuyển thủ Sniper đẳng cấp nhất thế giới, song vẫn có nhiều cáo buộc anh đã sử dụng cheat trong các trận đấu mà không phải dựa vào thực lực của mình. Mặc dù điều đó vẫn chưa được kiểm chứng song có thể thấy Kovacs cũng đã trở thành nạn nhân.
Đó là đối với cheat, một số tuyển thủ chuyên nghiệp khác thì lại lợi dụng những lỗi trong game để mang lại lợi thế cho mình mà không hề hay biết. Lỗi nổi tiếng nhất là cho phép bạn giảm tác động của flash bang (bom mù) bằng cách ấn tổ hợp phím Alt + Tab để thoát ra màn hình desktop xong vào lại. Tại sự kiện I30 ở Đức, mTw là đội đã bị bắt quả tang khi sử dụng chiêu trò không mấy sạch sẽ khi thi đấu cùng các đội khác.
Trong năm 2010, đã có một thông báo nói rằng nếu sử dụng hai phiên bản DirectX khác nhau (ví dụ là dxlvl95 và dxlvl81) thì hiệu lực của flash bang sẽ khác nhau. Điều này đã gây nên tranh cãi một thời gian dài và ngay lập tức các tuyển thủ tận dụng nó. Đội tuyển hàng đầu của Pháp lúc bấy giờ, VeryGames bị bắt quả tang sử dụng lỗi đó trong các trận đấu và không lâu sau, dxlvl81 đã trở thành tiêu chuẩn chung tại các giải Counter-Strike thế giới.
Sự khác biệt giữa DirectX95 và DirectX81.
Chúng ta thường nghĩ chỉ có những tuyển thủ gà mờ, trình độ thấp mới phải cậy nhờ đến hack, cheat, bug vì không muốn thua thiệt người khác, song rõ ràng là ngay cả ở cấp Counter-Strike chuyên nghiệp nó cũng không phải là chuyện "xưa nay hiếm".
Mặt khác, công tác quản lý của các nhà tổ chức giải đấu LAN vẫn chưa thực sự tốt. Từ xưa đến nay, mạng LAN luôn là sân chơi của Counter-Strike bởi hiệu suất mạng LAN tốt hơn nhiều so với đường truyền online và tránh được nhiều vấn đề hy hữu, tuy nhiên, các nhà tổ chức giải đấu dường như đang ngủ quên trên lợi ích của mình.
Các tuyển thủ từ khắp nơi trên thế giới kéo đến tham gia sự kiện, họ thoải mái lắp đặt các thiết bị của mình như chuột, bàn phím, tai nghe mà không hề có sự giám sát nào, thậm chí là tự do sử dụng điện thoai di động. Nhiều quản trị viên dường như tỏ ra khúm núm trước sự có mặt của các ngôi sao, họ chỉ đứng đó chuyện trò, trao đổi sau đó bàn giao mật khẩu để tuyển thủ có thể bắt đầu trò chơi chứ không có những khâu kiểm tra máy móc kỹ lưỡng. Và khi các trận đấu diễn ra, chỉ có quản lý hoặc huấn luyện viên đứng sau các tuyển thủ, nếu có gian lận, ai sẽ là người phát hiện đây?
Các nhà tổ chức giải đấu Counter-Strike sẽ cần phải thay đổi rất nhiều nếu thực sự muốn nó trở thành một sân chơi trong sạch, công bằng đúng nghĩa. Trong nhiều năm, việc thạm thời tịch thu điện thoại di động đã trở thành thể lệ bắt buộc đối với các giải đấu Starcraft và Liên Minh Huyền Thoại, có trọng tài đứng giám sát phía sau, máy tính cá nhân được theo dõi và ảnh chụp màn hinh được lưu lại để làm bằng chứng trước những lời cáo buộc. Nếu làm như vậy thì Counter-Strike mới có thể tiếp tục tăng trưởng và bền vững được. Nên nhớ, điều nguy hiểm nhất đối với tuổi thọ của một game eSports là khi sự cạnh tranh trở nên vô nghĩa.
T.B