Trong dịp nghỉ lễ Tết, các nhóm hacker thường lợi dụng sự lơ là, mất cảnh giác của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng để gia tăng hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.
Năm 2023, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sẽ nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão trong 7 ngày, từ 20/1 đến hết ngày 26/1. Theo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin, sự cố tấn công mạng đã và đang gia tăng trong những ngày giáp Tết và được dự báo tiếp tục tăng trong dịp nghỉ.
Bộ TT&TT mới đây đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương; cơ quan báo chí ở Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông cùng các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại chủ động bảo đảm an toàn thông tin mạng, không để bị động, bất ngờ với mọi tình huống, nhất là trong dịp nghỉ lễ Tết 2023.
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được yêu cầu phải chủ động rà soát, xử lý, triển khai các giải pháp nhằm khắc phục triệt để các lỗ hổng an toàn thông tin mạng, đặc biệt là lỗ hổng đã được Bộ TT&TT cảnh báo.
Tổ chức lực lượng tại chỗ trực giám sát, hỗ trợ, ứng cứu và khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng 24/7; triển khai các biện pháp kỹ thuật ở mức cao nhất nhằm phát hiện, ngăn chặn tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc. Song song đó, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng (nếu có) cam kết và bố trí lực lượng giám sát và bảo vệ các hệ thống; bảo đảm duy trì, kết nối, kịp thời chia sẻ thông tin với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT.
Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số, Bộ TT&TT yêu cầu phải tăng cường năng lực hệ thống, nền tảng và đảm bảo các hệ thống thông tin, nền tảng hoạt động an toàn, ổn định để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các đơn vị còn được đề nghị chủ động tổ chức hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cho những hệ thống thuộc phạm vi quản lý để phát hiện, ngăn chặn, xử lý và khắc phục kịp thời sự cố an toàn thông tin mạng. Thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo yêu cầu của Bộ TT&TT và cơ quan chức năng.
Khi gặp sự cố hoặc có vấn đề phát sinh hay cần hỗ trợ xử lý, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên hệ với Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin qua 2 đầu mối là Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC và Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC.
Mặt khác, khoảng thời gian giáp Tết Nguyên đán cũng là lúc người dùng cá nhân gia tăng các giao dịch trực tuyến như mua sắm online, chuyển tiền trực tuyến... Vì thế, các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, bản thân người dùng cần trang bị cho mình những kỹ năng để tự bảo vệ trên môi trường mạng.
Khi tham gia giao dịch trực tuyến, người dùng lưu ý chỉ truy cập vào các đường link chính thức của các dịch vụ mua sắm tin cậy; chỉ truy cập các đường link bắt đầu bằng https, điều này giúp bỏ qua được phần lớn các trang web mạo danh, lừa đảo. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai.
Trong trường hợp không may bị mắc bẫy lừa đảo, cần bình tĩnh thu thập lại toàn bộ các nội dung chat, tin nhắn, cuộc gọi, đường link... liên quan, sử dụng thông tin này để cung cấp, trình báo tới các cơ quan công an để được hỗ trợ.
Đối với giao dịch rút tiền tại ATM, người dân cần quan sát kỹ trước khi thực hiện giao dịch, không giao dịch nếu máy ATM có thiết bị lạ, bất thường. Kiểm tra kỹ vị trí đầu đọc thẻ, bàn phím, màn hình đảm bảo không có gì bất thường như vết trầy xước hoặc máng, dây điện, dấu vết băng keo trên hoặc gần đầu đọc thẻ, thiết bị gắn vào máy ATM. Lấy tay che bàn phím khi nhập mã PIN. Và cuối cùng, luôn kiểm tra tiền và lấy lại thẻ sau khi thực hiện giao dịch, đối chiếu giao dịch in ra từ hóa đơn hoặc thông báo biến động tài khoản tại tin nhắn SMS của ngân hàng.