Bố tôi là một thầy giáo về hưu và đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch hội Khuyến học tại một xã ngoại ô thành phố Thái Bình. Ông rất tích cực với công việc này, thật sự lăn lê bò toài theo nghĩa đen của từ này và ngày đêm hết mình cho công tác khuyến học của xã và thành phố. Tìm hiểu thêm tôi thấy, lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của hội Khuyến học ở xã chủ yếu là các thầy cô giáo đã nghỉ hưu. Họ bao năm nay đều “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” và mang lại những lợi ích rất lớn cho địa phương.
Hoạt động khuyến học trên cả nước trong 20 năm qua đã làm tốt và có những kết quả đáng ghi nhận, từng bước đưa văn hoá đọc tiến lên tầm khu vực và được xã hội trân trọng. Nhìn về công tác khuyến đọc của Việt Nam và của các nước trong khu vực và trên thế giới, tôi vẫn thấy mủi lòng và trăn trở tìm mọi cách để khuyến đọc tốt hẳn lên vì còn nhiều cái khó phải giải quyết và còn nhiều việc cần làm gấp.
Thứ nhất, cần có một Uỷ ban (cơ quan) quốc gia về đọc và khuyến đọc. Ở Việt Nam ta, ngành Xuất bản thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng ngành Thư viện lại thuộc bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, trong khi lượng bạn đọc rất lớn là học sinh, sinh viên lại thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tôi có nhiều bạn bè là lãnh đạo cao cấp ngành Xuất bản và tham gia nhiều sự kiện ở Indonesia này từ 2014 đến nay, việc có Uỷ ban Quốc gia về sách và văn hoá đọc là rất quan trọng và mang tính đột phá. Công tác khuyến đọc của Malaysia với sự vào cuộc của lãnh đạo quốc gia cũng mang lại cho đất nước này những kết quả rất khích lệ và vượt bậc. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã khá thành công nhờ các cơ quan chuyên trách tầm quốc gia. Vậy nên, từ chục ăm nay, tôi đã nhiều lần trình bày mong muốn để Việt Nam có Uỷ ban Quốc gia về sách và văn hoá đọc (khuyến đọc). Có như vậy văn hoá đọc của chúng ta mới có sự thay đổi lớn, thậm chí là đột phá.
Một chính sách mang tính quốc gia về đọc, khuyến đọc, như đã có khuyến học (và rất thành công) là hết sức cần thiết để khơi dậy văn hóa đọc và nâng cao tri thức cho mọi người. Một ủy ban mang tính quốc gia liên quan đến việc phát triển văn hóa đọc, do đó, cũng rất cần thiết.
Thứ hai, hiện nay khuyến đọc ở Việt Nam dù cố gắng nhưng chưa ồng bộ, phối hợp tốt giữa các bộ, ban, ngành. Chúng ta vẫn chưa có các cơ quan khuyến đọc đủ mạnh để thúc đẩy văn hoá đọc. Rõ ràng, chúng ta cần có một bộ máy đủ mạnh để triển khai các công việc cụ thể trong 5 và 10 năm tới, để chúng ta thấy rõ sự thay đổi trong văn hoá đọc tại khắp nơi, nhất là các thư viện, trường học.
Công tác khuyến đọc cần làm đồng bộ, thường xuyên, dài hơi, liên tục chứ không thể là các chiến dịch, các đợt phong trào vài lần một năm. Cần đẩy mạnh và làm sâu rộng khắp nơi.
Trong những ngày nghỉ Quốc khánh vừa qua, chúng tôi đang tất bật chuẩn bị các phần quà là sách để kịp đi tặng cho một số nơi nhân dịp khai giảng năm học mới. Chúng tôi cũng tranh thủ những ngày nghỉ để triển khai một số chương trình tạo cảm hứng đọc, hướng dẫn cách đọc sách đúng, nhanh, bàn về cách ứng dụng sách vào công việc và cuộc sống. Trong khi làm chuyên sâu như thế này, chúng tôi càng thấy khuyến đọc và khuyến học rất liên quan đến nhau, bổ trợ và khăng khít với nhau.
Khối lượng tri thức của xã hội ngày càng nhiều, mức độ tăng lên rất nhanh, chỉ có đọc, tự đọc mới là cách nhanh nhất để tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên quý giá và vô cùng tuyệt vời này. Rõ ràng khuyến đọc cần được quan tâm đúng mức, cần được triển khai mạnh hơn nữa.
Trong nhiều năm nay, tôi rất thích đi nói chuyện về chủ đề học tập suốt đời, tức là lifelong learning. Khái niệm học tập suốt đời phải được hiểu ở cả 2 khía cạnh rằng việc học là cả đời, và học ở đây là learning, tức là quan trọng ở khâu tự học, mà tự học thì không thể thiếu tự đọc, tự nghiên cứu, phát triển bản thân, nhất là thông qua sách. Rõ ràng việc đọc là vô cùng quan trọng.
Tôi học đại học, sau đại học, cũng như nhiều chương trình ở nước ngoài và đều thấy yêu cầu bắt buộc với sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên là tự đọc rất nhiều sách. Ngay cả sinh viên, nhiều trường yêu cầu mỗi ngày phải đọc vài trăm trang. Nếu không đọc nhiều không thể trả bài, không thể kết thúc được môn học. Rõ ràng, khuyến đọc cần phải bắt đầu từ học sinh phổ thông, việc tạo thói quen đọc sách ngay từ nhỏ là rất quan trọng, và bắt đầu từ những ngôi trường, với các thầy cô giáo gương mẫu chăm đọc, với cách hướng dẫn các học sinh đọc đúng và với những thư viện, phòng đọc có chất lượng.
Tôi hoàn toàn tin rằng nếu cả 3 góc độ là nhà trường, gia đình và xã hội cùng quan tâm và tham gia sâu vào khuyến đọc, văn hoá đọc của Việt Nam sẽ phát triển, thậm chí đột phá. Tôi rất tin và vẫn đang cần mẫn cùng các đồng nghiệp, cộng sự của mình làm tiếp các công việc dang dở của suốt 15 năm nay.
Mong muốn rất lớn của tôi bao năm nay là mọi gia đình đều có tủ sách to hơn tủ lạnh. Tôi tin rằng mong muốn này sẽ sớm thành hiện thực.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Thái Hà Books