Bất chấp kế hoạch tác chiến ban đầu, cho đến nay, Nga vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được bầu trời và những thành phố chiến lược của Ukraine. Trong khi đó, Ukraine nhiều lần thừa nhận đất nước mình đã trở thành bãi thử vũ khí cho các nhà sản xuất phương Tây và Nga cũng đưa tới nước này những khí tài hàng đầu.
Vũ khí phía Nga
Cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài 1 năm qua đã nâng tầm máy bay không người lái (UAV), tên lửa pháo binh, vũ khí chống UAV và tác chiến điện tử... khiến chúng trở thành những nhân tố nổi bật trên chiến trường.
Máy bay không người lái. Chưa bao giờ UAV được sử dụng nhiều như trong chiến sự ở Ukraine, khi ưu thế của cả hai bên phụ thuộc rất nhiều vào các UAV này. Nga đã sử dụng một số dòng UAV cảm tử, trong đó nổi bật nhất là Geran-2. Kể từ tháng 9/2022, Nga thường xuyên sử dụng UAV để tấn công các mục tiêu quân sự và hạ tầng trọng yếu của Ukraine, bao gồm mạng lưới điện.
Tên lửa. Kể từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine nổ ra, Nga thông báo các tên lửa chính xác cao đã thực hiện hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào mục tiêu quân sự có giá trị của Kiev. Một trong những tên lửa được Nga tin cậy sử dụng là tên lửa hành trình Kalibr.
Ngoài ra, Nga cũng sử dụng tên lửa Iskander có tầm bay khoảng 500km và đầu đạn uy lực hơn Kalibr để phá hủy các công sự lớn của Ukraine.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS). Theo giới chuyên gia, vào khoảng tháng 5-7/2022, Nga đã đạt được bước tiến đáng kể trên chiến trường nhờ vào các hệ thống pháo phản lực phóng loạt hiện đại.
Những hệ thống nổi bật là pháo phản lực Uragan, TOS-1A hay Tornado-G. MLRS có thể bắn nhiều loại đạn gồm đạn huấn luyện, đạn nổ mảnh (HE-FRAG), đạn hóa học, đạn cháy, đạn nhiệt áp, đạn chùm với chức năng chống tăng và diệt bộ binh.
Đạn pháo dẫn đường. Theo RIA Novosti, Nga đang tăng cường sản xuất đạn pháo dẫn đường chính xác cao Krasnopol nhằm đối phó xe tăng Abrams và Leopard. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay, Krasnopol có độ chính xác trúng mục tiêu lên tới 95%, tầm bắn đạt 25km. Nga được cho là đang tích cực sử dụng đạn pháo dẫn đường Krasnopol 152mm trong chiến sự tại Ukraine nhằm hạn chế khả năng phản công của Kiev.
Tác chiến điện tử. Nga được xem là quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực tác chiến điện tử và nước này đã chiếm ưu thế ngay từ giai đoạn đầu ở chiến trường Ukraine.
Theo Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), một số lượng lớn các hệ thống tác chiến điện tử của Nga được triển khai ở miền đông Ukraine. Trong số này có các hệ thống tín hiệu tình báo TORN và SB-636 Svet-KU có thể định vị chính xác các đơn vị của Ukraine bằng cách theo dõi sóng vô tuyến.
Bên cạnh đó, hệ thống RB-341V Leer-3 có thể phối hợp với các UAV Orlan-10 mang theo thiết bị gây nhiễu di động trên xe tải Kamaz-5350, hoặc các thiết bị gây nhiễu vô tuyến R-934B Sinitsa và R-330Zh Zhitels chặn các liên kết với vệ tinh.
Vũ khí phía Ukraine
Cổng thông tin Rynek Kolejowy dẫn báo cáo của Đại tá quân đội Mỹ Todd Ellison cung cấp tại diễn đàn Railway Direction Days 2022 cho biết, năm 2022, Ukraine đã nhận khoảng 500 chuyến tàu chở vũ khí và đạn dược do các nước phương Tây gửi tới. Hoạt động vận chuyển những hàng hóa này đều được đảm bảo bởi quân đội Mỹ.
Eurasian Times mới đây đã điểm lại một số thiết bị quân sự tiêu biểu có thể thay đổi cục diện xung đột ở Ukraine.
Hệ thống phòng không và pháo binh. Chính quyền Mỹ đã gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa đất đối không (NASAMS), trong khi Đức gửi hệ thống phòng không IRIS-T tiên tiến nhất.
Ngoài ra, Mỹ và Đức cho biết, đang chuyển giao cho Ukraine một khẩu đội pháo cho hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 Patriot, trị giá khoảng 1,1 tỷ USD. Đây là hệ thống đắt đỏ nhất mà phương Tây cam kết viện trợ cho Kiev.
Một trong những vũ khí hiệu quả nhất phương Tây cung cấp cho Ukraine là lựu pháo M777 Howitzer 155mm của Mỹ. Trong đó, Mỹ cung cấp cho Ukraine hơn 140 khẩu lựu pháo M777.
Tên lửa. Theo các báo cáo, vũ khí đầu tiên của Mỹ được sử dụng rộng rãi trên chiến trường ở Ukraine là tên lửa chống tăng cầm tay và rocket, bao gồm hệ thống tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, Ukraine đã nhận được khoảng 17.000 vũ khí chống tăng từ các nước phương Tây khác nhau, trong đó có hàng trăm bệ phóng Javelin. Cho đến nay, Mỹ đã gửi hơn 5.000 bệ phóng Javelin cho Ukraine.
Bệ phóng tên lửa. Ukraine vẫn tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí hiện đại và có tầm bắn xa hơn trong đó có tên lửa tầm xa ATACMS.
Theo các chuyên gia, vũ khí của phương Tây làm thay đổi tình hình chiến sự nhiều nhất là các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, bao gồm HIMARS của Mỹ, M270 MLRS của Anh và MARS II của Đức, phiên bản nâng cấp của M270 MLRS. Ðến nay, Ukraine đã nhận ít nhất 20 hệ thống HIMARS từ Mỹ và phương Tây cũng gửi một lượng lớn đạn dược được sử dụng cho các hệ thống này.
Xe tăng và xe bọc thép. Ngay từ những ngày đầu chiến sự, NATO chủ yếu cung cấp xe tăng T-72 từ thời Liên Xô cho Ukraine. Sau đó, Mỹ cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley và Đức cung cấp cho Kiev xe chiến đấu bộ binh Marder. Trong khi đó, Pháp chuyển cho Ukraine xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC.
Hệ thống vệ tinh liên lạc. Tỷ phú Elon Musk đã đưa các thiết bị đầu cuối cung cấp Internet từ vệ tinh Starlink đầu tiên tới Ukraine chỉ vài ngày sau khi chiến sự nổ ra. Tính đến tháng 10/2022, đã có hơn 2.200 hệ thống vệ tinh Starlink có quỹ đạo thấp cung cấp Internet băng thông rộng cho Ukraine.