Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến phức tạp. Chỉ số VN-Index từ mức trên 1.500 điểm hồi đầu năm lao dốc, xuống quanh mức 1.000 điểm trước khi khép lại một năm đầy sóng gió. Trong đó, có nguyên nhân từ việc các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực, khiến nhà đầu tư mất niềm tin, tài sản bị thâm hụt.
Ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu
Sự việc bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 10/1, thị trường chứng khoán xôn xao về việc hơn 74,8 triệu cổ phiếu FLC giao dịch nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) ở thời điểm đó.
Cụ thể, ông Quyết đã vẽ ra một kịch bản khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của chính tập đoàn mình lên mức cao ngất ngưởng, rồi bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ nhằm hưởng lợi bất chính.
Ngoài ra, bị can Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con, sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá". Những cá nhân này liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả, đẩy giá lên cao thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, ông Quyết còn thao túng giá nhiều mã chứng khoán khác.
Ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra trong phiên ngày 10/1.
Sau sự cố đó, giá cổ phiếu FLC lao dốc từ mức 24.000 đồng/cp xuống mức 11.000 đồng/cp chỉ sau 10 phiên và ở thời điểm ông Quyết bị bắt, cổ phiếu FLC tiếp tục mất hơn 50% giá trị. Hiện tại, thị giá cổ phiếu FLC giao dịch quanh mức 3.500 đồng/cp.
Tương tự, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến ông Quyết đang giao dịch sâu dưới mức mệnh giá và một số cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch nhiều tháng nay.
Những hành vi của ông Quyết diễn ra hồi tháng 1 làm rung động dư luận, khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Sau khi bị bắt, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết kém hiệu quả, cổ phiếu bị đưa vào tầm kiểm soát.
“Tập đoàn” thao túng cổ phiếu
Vụ thao túng chứng khoán khác được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân - người từng đứng đầu nhiều doanh nghiệp như: Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp B - Louis Land (mã: BII), Công ty Cổ phần Louis Capital (mã: TGG). Trong vụ việc này còn có ông Đỗ Đức Nam - cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Trí Việt (mã: TVB).
Để thực hiện thao túng giá cổ phiếu mã BII và TGG, Đỗ Thành Nhân kết hợp với Đỗ Đức Nam dùng tài khoản cá nhân của người thân là cổ đông của các doanh nghiệp này để mua bán, thâu tóm cổ phiếu và giao dịch mua bán, khớp lệnh, làm tăng tính thanh khoản và đẩy giá cổ phiếu BII và TGG tăng cao để thu lợi bất chính.
Sau khi lãnh đạo bị bắt ngày 20/4, cổ phiếu BII và TGG mất giá mạnh. Thị giá cổ phiếu BII sau 2 tháng kể từ thời điểm cuối tháng 4 giảm từ mức 13.000 đồng/cp xuống mức 5.000 đồng/cp, hiện giao dịch quanh mức 2.000 đồng/cp.
Thị giá cổ phiếu TGG giảm từ 14.000 đồng/cp xuống 5.000 đồng/cp và giao dịch quanh mức giá này từ tháng 8 đến nay.
Liên quan đến việc thao túng chứng khoán tại các doanh nghiệp này, mới đây, ngày 9/12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt.
Theo đó, ông Phạm Thanh Tùng đã có hành vi thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Louis Holdings, Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt.