Cứ tới tháng 10, dân đầu tư chứng khoán thường nhắc lại câu nói châm biếm của đại văn hào Mark Twain: “Tháng 10: Đây là một trong những tháng đặc biệt nguy hiểm để đầu cơ chứng khoán. Các tháng còn lại là tháng 7, tháng 1, tháng 9, tháng 4, tháng 11, tháng 5, tháng 3, tháng 6, tháng 12, tháng 8 và tháng 2”.
Kinh nghiệm trên được Twain đúc kết từ chính những thất bại cay đắng của ông. Là một nhà văn tài năng nhưng Twain liên tục thua lỗ khi đầu tư. Năm 1891, cả gia đình ông phải chuyển khỏi ngôi nhà ở Hartford tới chỗ nhỏ hơn. Sau 20 năm, Twain bán bất động sản này bằng 1/6 số tiền ông bỏ vào.
Theo Time, vào những năm 1890, Twain mất tiền nhanh hơn mức ông có thể kiếm được. Twain là một trong những tác giả được trả cao nhất ở Mỹ thế kỷ 19 nhờ nhiều tác phẩm bán chạy như Những kẻ ngây thơ ở nước ngoài, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn…
Thêm vào đó, ông còn kết hôn với một người thừa kế giàu có, Olivia Langdon. Cha của Olivia tặng họ biệt thự, xe ngựa.
Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ là đủ đối với Twain. Ông viết: “Con người sẽ làm nhiều điều để được yêu quý. Họ sẽ làm mọi thứ để khiến người khác ghen tị”. Twain dường như không thể ngăn bản thân. Thước đo thành công trong Thời đại Mạ vàng là sự giàu có và Twain khao khát có được điều đó dù ông không phải là người có sở thích xa hoa - ông vẫn hút xì gà 4,5 xu. Nhà văn thích chơi billiard và poker thừa nhận ông nghiện mạo hiểm.
Một thập kỷ sau - khôn ngoan lên và nghèo hơn nhiều - ông kết luận: “Có hai thời điểm trong đời một người đàn ông không nên đầu cơ: khi anh ta không đủ khả năng và khi anh ta có thể”.
Hai thất bại lớn nhất của Twain liên quan tới đầu tư mạo hiểm và một công ty khởi nghiệp.
Trong hơn 10 năm, Twain đã đầu tư cho Paige Typesetter, một cỗ máy nặng gần 4 tấn, hứa hẹn sẽ cách mạng hóa công việc sắp chữ để in sách báo. Khi hoạt động, cỗ máy chạy nhanh hơn nhiều so với các thiết bị hiện có.
Theo Genius Biographies, sau khi chứng kiến một lần thử nghiệm thành công, Twain đổ khoảng 300.000 USD vào cỗ máy (tương đương 10 triệu USD hiện nay). Nhưng sản phẩm này cuối cùng đã không thành công.
Twain còn thành lập công ty xuất bản năm 1884 và giao cho người cháu trai 33 tuổi, Charles L. Webster, phụ trách.
Công ty trên cho ra mắt hai cuốn sách: Hồi ký cá nhân của Ulysses S. Grant và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Hồi ký của Grant đạt được doanh số bán phi thường khi đội cựu chiến binh rao bán đến từng nhà. Twain đã trao tấm séc bản quyền lớn nhất trong lịch sử xuất bản của Mỹ lúc bấy giờ cho người góa phụ Julia Dent Grant.
Nhưng sau đó, mọi chuyện lao dốc. Twain gọi công ty là “một vụ tự tử kéo dài”.
Nhà văn còn thua lỗ trong nhiều khoản đầu tư khác, bao gồm hệ thống ròng rọc hơi nước, công ty đồng hồ, cổ phiếu đường sắt…
Tháng 3/1894, Twain chuyển toàn bộ tài sản của mình cho vợ, một tháng trước khi ông nộp đơn xin phá sản. Ông nợ các tác giả, người đóng sách và ngân hàng 80.000 USD (tương đương 2,4 triệu USD ngày nay).
Các báo đưa tin: “Mark Twain phá sản” và “Thất bại của Mark Twain”. Một số thì thầm việc chuyển giao tài sản của Twain là “lừa đảo”.
Nhưng sau đó, Twain đi vòng quanh thế giới để nói chuyện. Sau 122 buổi tại 71 thành phố của Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nam Phi, ông kiếm đủ tiền trả tất cả khoản nợ và lấy lại danh dự. Những cuốn sách của ông tiếp tục bán chạy.
Tuy nhiên, Twain không thể cưỡng lại được việc đầu tư sau khi có tiền. Ông đổ hàng nghìn USD vào việc nghiên cứu loại bột protein tên là Plasmon được cho có thể mang lại giá trị dinh dưỡng gấp 16 lần bít tết với chi phí chỉ một xu mỗi ngày, nhờ đó có thể chấm dứt nạn đói. Song hóa ra đây chỉ là một cú lừa.
Dù vậy, khi Mark Twain qua đời, tài sản của ông vẫn còn tới 475.000 USD (tương đương 13 triệu USD vào năm 2022).