Vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời Ninh Bình được xác định là một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, là trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú, Ninh Bình còn sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 01 di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch gắn với văn hóa.
Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây chính là tâm điểm và là lực hút chính để thu hút du khách đến với Ninh Bình và tạo ra sức lan tỏa cho các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh.
Với những tiềm năng và thế mạnh này, du lịch Ninh Bình đã dần khẳng định vai trò của mình trong ngành du lịch quốc gia. Đến nay, Ninh Bình được xem là trung tâm du lịch lớn của tam giác du lịch Hà Nội- Ninh Bình- Quảng Ninh, khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương.
Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 04 đề án, 09 kế hoạch phát triển văn hóa thể thao như: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021-2030”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2022”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch xây dựng bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp…
Nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch cũng được tỉnh Ninh Bình quan tâm đầu tư như: Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành, Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền Cọ, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Công trình tu bổ tôn tạo di tích đền Vối (thuộc dự án Nạo vét tuyến giao thông thủy Bích Động - Hang Bụt và Thạch Bích - Thung Nắng), Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Tràng An, khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính và khu chùa động Am Tiêm.
Vừa mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển du lịch. Đây là nội dung thuộc đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và du lịch tỉnh Ninh Bình".
Theo đó, để đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, trong đó tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính là: đẩy mạnh đầu tư chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch; tăng cường xây dựng hoàn thiện và thực thi hiệu quả thể chế, chính sách phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Gia Viễn