Thực hiện Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/1/2024 của Chính phủ về Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024, các địa phương trong tỉnh đã tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, quy định liên quan, phục vụ tổ chức và công dân trong giải quyết TTHC.

Xác định cải cách TTHC là một trong những khâu đột phá thúc đẩy quá trình cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

ninh binh.jpeg
 Giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Ninh Bình.

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: rà soát, đánh giá, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đơn giản hóa TTHC, công bố danh mục thủ tục hành chính; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế; chú trọng xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác CCHC. Công khai đầy đủ các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp, trên trang web của các cơ quan, đơn vị để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi tra cứu và áp dụng thực hiện TTHC.

Trong quý III năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 25 quyết định công bố danh mục TTHC với tổng số 564 TTHC, trong đó 295 TTHC được công bố mới, sửa đổi, bổ sung và 268 TTHC bị hủy bỏ.

Đến nay, tổng số TTHC đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.894 TTHC, trong đó, cấp tỉnh là 1.500 TTHC. Các TTHC được công khai 100% trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng thông tin điện tử tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Diên, Phó trưởng Phòng Nội vụ, UBND huyện Kim Sơn cho biết: Với chức năng là cơ quan tham mưu cho huyện về công tác CCHC, Phòng Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số CCHC như: đổi mới phương thức lãnh đạo qua hội nghị giao ban hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, đi vào kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về CCHC từ huyện đến cơ sở bằng nhiều hình thức; tăng cường công tác bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác CCHC của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã, thị trấn, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác CCHC; chọn cử những cán bộ, công chức, viên chức có đầy đủ phẩm chất, năng lực, có kỹ năng chuyên môn tốt làm việc tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã, thị trấn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện CCHC...

Công dân được hướng dẫn thực hiện TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn).

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện, tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024.

Cán bộ, công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử, đồng bộ 100% trạng thái hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, các ngành, địa phương quan tâm việc rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, đồng thời ưu tiên xây dựng, tích hợp, cung cấp các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã góp phần quan trọng đẩy mạnh cải cách TTHC, qua đó cải thiện rõ rệt thứ hạng về các chỉ số CCHC của tỉnh so với các địa phương trong cả nước.

Năm 2023, chỉ số CCHC  tỉnh Ninh Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2022; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2022; chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 25 bậc.

Đây là động lực quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, từng bước thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 Theo Hồng Vân (Báo Ninh Bình)