Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 30 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 96,7%.
Nhằm tạo điều kiện để đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS phát huy lợi thế, tiềm năng, vươn lên hội nhập, 5 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển tương đối toàn diện vùng đồng bào DTTS.
Vì vậy, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng cao; diện mạo vùng đồng bào DTTS thay đổi rõ rệt.
Cụ thể: Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động hơn 326 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
Tính đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm xuống còn 2,95%, giảm đáng kể so với những năm trước đó.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ với 100% các xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh có đường giao thông thuận lợi từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, bản; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% dân số ở vùng đồng bào DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh;
100% xã, các thôn, xóm, làng có Nhà văn hóa gắn liền với khu thể thao, sân thể thao đơn giản, đặc biệt đã đầu tư xây dựng sửa chữa, phục dựng lại 10 nhà sàn truyền thống làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Lĩnh vực giáo dục và y tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các trường ở xã vùng DTTS và miền núi cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ thôn, bản có cán bộ y tế đạt 100%.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 07 xã thuộc xã Khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025: Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương (đều thuộc huyện Nho Quan).
Đến nay, 07/07 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 100%). Trong đó: có 02/07 xã (đạt tỷ lệ hơn 28%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Cúc Phương, Văn Phương), 01 xã (Quảng Lạc) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024; có 09/89 thôn, xóm, bản (đạt tỷ lệ 10%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 08 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, gồm 02 sản phẩm 4 sao và 06 sản phẩm 3 sao.
Để xây dựng các xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác,…
Trong năm 2022, đã triển khai tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình MTQG 1719.
Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; trường, lớp học đạt chuẩn; các công trình thủy lợi kênh mương nhỏ; các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 và quy định của pháp luật.
Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế xã bảo đảm đạt chuẩn công trình… Hỗ trợ cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, các dự án về phát triển giáo dục; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cũng được thực hiện đồng thời, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân.
V.v,...