Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Ninh Bình, đối với các trường công lập, có 11 mục thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục được quy định mức tối đa.
Cụ thể như sau:
Bên cạnh đó, Sở này cũng đưa ra danh mục các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục không quy định mức tối đa. Các khoản này bao gồm: Tiền điện phục vụ trực tiếp cho nhu cầu học sinh (điều hòa, quạt, bình nóng lạnh, chiếu sáng và các thiết bị điện phục vụ hoạt động dạy và học trên lớp); xe đưa đón học sinh; sổ liên lạc điện tử; sổ theo dõi trẻ điện tử; sách giáo khoa, tài liệu, đồ dùng, đồ chơi và học liệu; dạy kỹ năng sống đối với học sinh phổ thông (do tổ chức được cấp phép triển khai tại nhà trường); các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.
Sở GD-ĐT Ninh Bình yêu cầu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập được thu theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, các khoản thu, mức thu phải thực hiện thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh; khoản thu và mức thu khi thực hiện không vượt quá mức tối đa đối với những khoản thu có quy định mức tối đa. Việc thỏa thuận thực hiện bằng văn bản.
Thứ hai, các khoản thu, mức thu phải phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh và đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ ba, khi thực hiện các khoản thu đối với những nội dung được ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ hoặc đã được bố trí từ nguồn kinh phí khác, mức thu phải được giảm trừ sau khi tính toán số kinh phí đã được bố trí trong dự toán của đơn vị.
Thứ tư, tùy theo tình hình, điều kiện thực tế về việc tổ chức các dịch vụ phục vụ và các hoạt động giáo dục cần thiết khác tại mỗi cơ sở giáo dục; căn cứ vào nhu cầu của học sinh, thu nhập của cha mẹ học sinh mà mỗi cơ sở giáo dục cần thống nhất với cha mẹ học sinh về việc lựa chọn các dịch vụ và hoạt động giáo dục khác phù hợp theo nguyên tắc tự nguyện. Các cơ sở giáo dục không được tự áp đặt đối với học sinh, cha mẹ học sinh về việc sử dụng các dịch vụ phục vụ và tổ chức các hoạt động giáo dục khác khi chưa có sự đồng thuận, thống nhất giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh. Mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục phải xây dựng toán chi cụ thể để làm cơ sở xác định mức thu đối với học sinh.
Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho cha mẹ học sinh
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Ninh Bình, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh (không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân) và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.
Sở yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.