Theo Sở Du lịch Ninh Bình, địa phương đang tập trung phát triển du lịch nông thôn để khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc tại đây. Loại hình này đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách về nhiều khía cạnh như: Văn hóa, ẩm thực, tinh thần… góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản.

Ngược lại, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn khi nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Du lịch nông thôn được tỉnh quan tâm triển khai, đặc biệt là thông qua chương trình chuyên đề về Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay tại Ninh Bình là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 77 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề có thể tạo ra khá nhiều sản phẩm thủ công độc đáo như: Gốm, cói, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm thêu ren… Ở nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hình thành và phát triển các gian hàng bán sản phẩm đặc trưng của địa phương.

W-Ninh Bình tập trung phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.jpg

Những đồng lúa, đồng hoa, đồi dứa... của Ninh Bình đều có lợi thế để phát triển du lịch

Những đồng lúa, đồng hoa, đồi dứa... của Ninh Bình đều có lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài cánh đồng lúa Tam Cốc nổi tiếng, Ninh Bình có nhiều cánh đồng đang triển khai mô hình kết hợp phát triển du lịch như cánh đồng dứa Đồng Giao, cánh đồng hoa Ninh Phúc, làng hoa đào Đông Sơn Tam Điệp. Ninh Bình cũng có nhiều sản phẩm OCOP được chuẩn hoá, phát triển từ sản phẩm đặc sắc của những làng nghề truyền thống.

Tuy vậy, theo Sở Du lịch Ninh Bình, để mô hình du lịch nông thôn phát triển bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, mang tính chất tự phát, phát triển từ những dịch vụ đơn giản là tham quan trang trại, cải tạo nhà vườn thành nơi nghỉ ngơi của khách, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn...

Quá trình phát triển du lịch nông thôn còn chậm và chưa đạt kết quả tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương; Còn thiếu định hướng và những quy hoạch cụ thể cho các vùng lợi thế phát triển du lịch nông thôn. Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa có chiến lược rõ ràng. Các doanh nghiệp du lịch chưa quan tâm, chú trọng nhiều đến loại hình du lịch này, đầu tư cho du lịch nông thôn còn hạn chế.

Để gắn kết phát triển du lịch với chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn;

Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn; Liên kết vùng và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn; Gắn liền việc phát triển du lịch nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...