Giờ đây, nếu so sánh những chiếc máy chơi game Nintendo Game Boy đủ thời kỳ, chúng ta sẽ khó lòng có thể so sánh chúng được với những chiếc máy handheld chơi game cao cấp ở thời điểm hiện tại như Nintendo 3DS hay Sony PS Vita. Mà xét một cách công bằng, thì ngay cả PS Vita giờ đây cũng khó lòng có thể sánh được với những chiếc smartphone cao cấp như iPhone 6S hay Galaxy S5 xét cả về sự tiện lợi lẫn sức mạnh phần cứng.
Thế nhưng, nếu không có Game Boy thì chắc chắn game handheld di động sẽ chẳng thể nào phát triển được như ngày hôm nay, với những siêu phẩm như Asphalt hay Infinity Blade. Một lần nữa, bên cạnh NES, Nintendo lại tạo ra một bước khởi đầu để game di động có được tốc độ phát triển như hiện nay.
Người sáng lập ra Nintendo vào năm 1889 là ông Fusajiro Yamauchi. Ban đầu, Nintendo là một công ty nhỏ chuyên sản xuất Hanafuda (một loại bài phổ biến ở Nhật, tương tự như bài lá ở phương Tây). Với phong cách thiết kế các lá bài bắt mắt và đầy thẩm mỹ, sản phẩm của Nintendo nhanh chóng tạo dựng được tiếng tăm và mở rộng từ kinh doanh nhỏ sang doanh nghiệp lớn.
Về sau, ông Yamauchi đã nhượng lại công ty cho người con rể của mình là Sekiryo Yamauchi vào năm 1929. 20 năm sau, ông Sekiryo tiếp tục giao lại quyền giám đốc cho người cháu nội của mình. Ngay khi vừa lên làm chủ tịch của Nintendo, ông Hiroshi đã ký kết hợp đồng với Disney để sử dụng các nhân vật hoạt hình của hãng trên các mẫu bài mới của mình. Đây được đánh giá là một bước tiến của Nintendo trong một thời kỳ mà nước Nhật đang có xu hướng chuộng văn hóa phương Tây.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của Nintendo, ông Hiroshi quyết định mở rộng lĩnh vực kinh doanh của hãng ra nhiều hướng khác nhau. Sau khi đã thử qua lĩnh vực sản xuất thực phẩm, dịch vụ taxi… và không thu được kết quả khả quan, ông Hiroshi quyết định chuyển sang kinh doanh đồ chơi. Sự xuất hiện đúng lúc của Gunpei Yokoi (về sau là cha đẻ của hệ máy Game Boy) đã củng cố cho quyết tâm của Hiroshi chuyển hướng con tàu Nintendo theo hướng kinh doanh trò chơi điện tử.
Sau cú vấp ngã của Atari năm 1983, Nintendo đã chứng minh rằng sự đầu tư mềm dẻo và hợp lý đã giúp họ đứng vững trong ngành công nghiệp game. Với cảm hứng từ những câu truyện manga và những bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản, những tựa game hay đã trở lại với thị trường. Dù đó là Donkey Kong, huyền thoại Super Mario hay Zelda, những game của Nintendo chưa bao giờ dẫm phải vết xe đổ của E.T. Trái lại, game của Nintendo đã nuôi dưỡng ước mơ của biết bao nhà thiết kế game về một tương lai phát triển rực rỡ hơn nữa.
Game của Nintendo là một sự đổi mới mạnh mẽ, đem lại cho người chơi những trải nghiệm mới mẻ và dễ chịu chưa từng có. Và cùng với chất lượng tuyệt vời của game, những con số đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy về sự thành công không phải bàn cãi của Nintendo.
Với sự xuất hiện của Super Mario Bros., hệ NES đã trở thành tâm điểm của thị trường console vào thời điểm bấy giờ. Cũng chính tựa game này đã đưa tên tuổi của Miyamoto lên tầm Thiên tài game. Trong thời gian này, Nintendo thành lập 3 nhóm phát triển chủ lực tại Nhật Bản là R&D 1, R&D 2 và R&D 3.
Tới năm 1989, hệ máy GameBoy ra đời và nhanh chóng gặt hái thành công trên phạm vi toàn cầu nhờ vào hiện tượng Tetris và Super Mario Land với hơn 14 triệu bản được bán ra. Trong 2 thập niên sau đó, các phiên bản GameBoy khác lần lượt đến tay người chơi là GB Pocket, GB Color, GB Advance và GB Micro.
Nhắc một chút tới Tetris, nếu không có Tetris, thế giới game ngày hôm nay đã không thể được mở rộng và phổ cập đến từng gia đình, từng văn phòng làm việc khi mà không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng bị cuốn hút vào với chiếc tay cầm và màn hình TV.
Tetris không phải là một sự đột phá về công nghệ xử lý hình ảnh hay một cốt truyện hấp dẫn mà đơn giản là cuộc chơi của con người với khối hình 4 mảnh vô cùng đơn giản và dễ hiểu. Người chơi sẽ lắp ghép các khối hình sao cho 1 hàng được lấp đầy và ghi điểm. Càng giành được nhiều điểm, người chơi sẽ càng phải đối mặt với tốc độ rơi ngày một nhanh hơn của các khối hình và nó thực sự thử thách sự nhanh nhạy của đôi tay cũng như tư duy hình học của con người.
Sự đơn giản của Tetris dường như đã cuốn hút người chơi ở mọi lứa tuổi vào hàng giờ ngồi trước màn hình phá hết kỉ lục này đến kỉ lục khác. Sự xuất hiện của Tetris như một cơn sốt bất ngờ làm điên đảo thế giới game lúc bấy giờ và người ta vẫn còn nhắc đến câu chuyện tổng thống Bush chơi Tetris trên Gameboy khi ông nằm viện.
Tetris được một người Nga có tên Alexey Pajitnov phát minh nhưng sau đó nó đã được mua lại bởi một công ty Mỹ. Những người Mỹ có lẽ đã rất vui và tự hào khi đã giành được một sản phẩm béo bở từ người Nga và cho đến nay, Tetris vẫn là một trong những tựa game nổi tiếng và được nhiều người biết đến và ưa thích nhất.
Những game thủ nhí giờ đây chắc chắn không thể nào hiểu được “nỗi khổ” của những người sở hữu Game Boy khi xưa như màn hình không có đèn nền, không thể nào chơi vào ban đêm khi bố mẹ đã ngủ, hay đang “cày” dở Pokemon hoặc Yu-Gi Oh! thì pin CMOS bên trong băng game bị hết, khiến file save bao ngày cày cuốc biến mất không chút dấu vết.
Thế nhưng nói gì thì nói, Game Boy đã và vẫn sẽ là một ký ức không thể nào quên trong quãng đời của bất kỳ game thủ Việt nào có cơ hội được sở hữu và thưởng thức.
Theo Trí Thức Trẻ