Ngày 27/9, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Đức (21 tuổi, quê Quảng Ngãi) và Phạm Công Danh (18 tuổi, quê Bình Phước)
Trước đó, tháng 12/2021, tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt bị cáo Đức 20 năm tù về tội “giết người”, bị cáo Danh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “đe dọa giết người”.
Sau phiên sơ thẩm, hai bị cáo có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị hại kháng cáo, đề nghị chuyển tội danh của bị cáo Danh từ tội “đe dọa giết người” sang tội “giết người”. Viện KSND tỉnh Bình Dương cũng có kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm xét xử bị cáo Danh tội “giết người”.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 6/2020, Đức và Đàm Thị T. có quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, sau vài tháng quan hệ yêu đương, cả hai thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, T. đòi chia tay nên Đức nảy sinh ý định dùng xăng dọa đốt T.
Ngày 26/9/2020, Đức chở Danh đi đến cây xăng ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương mua xăng. Đức kể cho Danh chuyện bị người yêu đòi chia tay và mua xăng về để dọa đốt T. Sau đó, Đức lấy điện thoại chụp hình Danh cầm chai xăng nhờ Danh gửi cho T. để hù dọa.
Đến 18h cùng ngày, Danh đón T. ra lô cao su gặp Đức. Trong lúc trò chuyện, Đức yêu cầu T. không được bỏ mình nhưng T. không đồng ý. Bực tức, Đức đổ xăng vào người yêu rồi châm lửa đốt.
Thấy ngọn lửa bùng lên, Đức vội dập lửa rồi gọi Danh chạy tới chở T. đi bệnh viện cấp cứu. Do vết thương quá nặng, 5 ngày sau T. tử vong do bỏng toàn thân trên 90%.
Tại phiên tòa hôm nay, Đức khai chỉ mang xăng đi hù dọa để níu kéo người yêu nhưng T. tự lấy xăng tạt vào người, châm lửa đốt.
Còn Danh khai có chở Đức đi mua xăng nhưng không biết Đức mua để làm gì. Về việc chụp hình chai xăng đăng lên mạng xã hội chỉ theo trào lưu, chứ không dọa T. Khi sự việc xảy ra, bị cáo đã chở nạn nhân đi cấp cứu. Cả hai bị cáo còn tố mình bị ép cung.
Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, HĐXX nhận thấy, việc các bị cáo khai bị ép cung nhưng không có cơ sở chứng minh. Lời khai ban đầu phù hợp với biên bản đầu thú, khám nghiệm hiện trường, giám định pháp y về nguyên nhân chết của bị hại, nên việc các bị cáo thay đổi lời khai không có căn cứ chấp nhận.
Việc chứng minh bị cáo Đức đổ xăng lên người bị hại thể hiện từ lời khai ban đầu, chai xăng được thu giữ, kết luận giám định nguyên nhân tử vong của bị hại. Về mặt ý thức, bị cáo Đức biết xăng là vật chất nguy hiểm, hậu quả chết người có thể xảy ra.
Đối với bị cáo Danh đã chở Đức đi mua xăng, đăng ảnh chai xăng lên mạng xã hội. Về mặt ý thức, bị cáo Danh biết xăng là nguồn vật chất nguy hiểm nhưng vẫn giúp Đức. Bị cáo nhận thức rõ ý định của bị cáo Đức và hậu quả xảy ra có sự giúp sức của bị cáo.
Từ những lẽ trên, xét thấy cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Danh tội “đe dọa giết người” là chưa phù hợp, khách quan.
Vì vậy, HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tỉnh Bình Dương, kháng cáo của đại diện bị hại, thay đổi tội danh bị cáo Phạm Công Danh từ tội “đe dọa giết người” sang tội “giết người” và tuyên phạt bị cáo Danh 4 năm tù. Giữ nguyên mức án 20 năm tù đối với bị cáo Đức.