"Tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất"
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cũng là năm Bình Dương đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ sự biến động chính trị của tỉnh cùng sự bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Thành phố mới Bình Dương |
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay đã thực hiện đạt và vượt 10/18 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021 của Tỉnh ủy; 08 chỉ tiêu chưa đạt nhưng có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Tăng trưởng Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 7,23% nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cả năm chỉ đạt 2,79% (năm 2020 GRDP tăng trưởng 6,91%, Nghị quyết đề ra chỉ tiêu tăng 8,5 – 8,7%). GRDP bình quân đầu người đạt 153,6 triệu đồng (năm 2020 là 151 triệu đồng, Nghị quyết là 161,8 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, với tỷ trọng tương ứng 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%.
Ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% (năm 2020 tăng 8,02%, Kế hoạch năm 2021 tăng 9,2%). Xuất, nhập khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31 tỷ 500 triệu đô la Mỹ (năm 2020 đạt 27 tỷ 443 triệu đô la Mỹ), tăng 13,5%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 600 triệu đô la Mỹ (năm 2020 đạt 21 tỷ 446 triệu đô la Mỹ), tăng 14,7%. Thặng dư thương mại đạt 6,8 tỷ đô la Mỹ. Tổng thu ngân sách ước đạt 61.200 tỷ đồng, đạt 104% dự toán HĐND tỉnh; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng, đạt 124% dự toán.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bình Dương tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh với phương châm "Tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất".
Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp tham gia phòng, chống dịch; cử 30 cán bộ lãnh đạo cấp phó sở, ngành, hơn 1.200 cán bộ cấp tỉnh và hơn 1.000 giáo viên, cán bộ ngành Giáo dục đến hỗ trợ các địa phương để phòng, chống dịch. Đặc biệt, có hơn 60 đoàn chi viện với hơn 4.000 y, bác sĩ, tình nguyện viên ở các cơ quan Trung ương và tỉnh, thành bạn, hơn 25.000 chiến sĩ công an, quân đội đã tham gia phòng, chống dịch. Trong thời gian rất ngắn, tỉnh đã chỉ đạo, huy động một nguồn lực rất lớn về cơ sở vật chất; các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung với quy mô chưa từng có, đáp ứng khoảng 100.000 giường cho F0 cách ly, điều trị tập trung; thần tốc đầu tư hoàn thiện và đưa vào hoạt động 02 bệnh viện hồi sức cấp cứu hơn 1.000 giường để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng góp phần giảm thiểu số ca tử vong.
Bên cạnh các chính sách của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ và triển khai giải ngân các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến ngày 13/11/2021, tỉnh đã chi hỗ trợ cho hơn 3,9 triệu lượt trường hợp, với số tiền 2.897 tỷ đồng.
Với việc "Tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa về thời gian, tập trung thần tốc tiêm vắc xin; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kết hợp sáng tạo trong phòng, chống dịch", Bình Dương đã vượt qua giai đoạn cực kỳ gian nan, nguy hiểm. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới đã giảm, bệnh nhân xuất viện tăng, toàn tỉnh chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội, giữ vững vị thế
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 - khóa XI sáng 3/12, bàn về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2022, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch, tỉnh sẽ tập trung khẩn trương triển khai quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025; triển khai chương trình phát triển nhà ở và đô thị gắn với xây dựng Thành phố thông minh.
Tiếp tục duy trì trạng thái "bình thường mới" đảm bảo an toàn, hiệu quả, không để bùng phát dịch bệnh trở lại. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là nguồn lực lao động, tiến tới phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Song song đó, chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi kết luận, trong tình hình khó khăn, những kết quả đạt được rất ý nghĩa, đáng phấn khởi, là nền tảng để năm 2022 các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực đưa Bình Dương ổn định và tiếp tục phát triển xứng tầm với vị thế của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu cả hệ thống chính trị không lơ là, chủ quan, nỗ lực cao nhất trong kiểm soát dịch bệnh. Nâng cao hệ thống y tế, tạo điều kiện để F0 tiếp cận điều trị nhanh, giảm tử vong. Bên cạnh đó, cần nắm chắc tình hình, giải quyết các "điểm nghẽn, nút thắt" cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Các ngành, các cấp phát huy tốt vai trò trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, đặc biệt là công tác kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
Cửu Long