Báo cáo mới nhất của Phòng thương mại EU tại Trung Quốc cho thấy, các công ty nước ngoài đang do dự đầu tư vào R&D ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khi đối tác địa phương của họ có xu hướng chuyển sang mua và sử dụng sản phẩm được sản xuất hoàn toàn trong nước hoặc không dính líu đến hàng hoá của Mỹ.
“Đó là lý do khiến các doanh nghiệp ngần ngại chi tiền vào R&D ở đại lục”, Joerg Wuttke, chủ tịch phòng thương mại nói. “Nếu các doanh nghiệp không biết hàng hoá của họ có nằm trong danh mục mua sắm, chẳng hạn trong 1-2 năm tới hay không, thì gần như họ sẽ không đầu tư cho R&D”.
Hiện Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến dịch tự chủ về công nghệ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cách ly khỏi những tác động từ bên ngoài.
Volkswagen AG và SAP SE là những doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, song các công ty cũng đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ những doanh nghiệp nội địa khổng lồ, như Huawei Technologies, khi các công ty địa phương phát triển những giải pháp phần mềm và bảng mạch thay thế nội bộ.
Trong khi đó, các công ty nhà nước hậu thuẫn như Inspur, đẩy mạnh nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực như máy chủ và điện toán đám mây, đặt cược vào việc người tiêu dùng trong nước sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm nội địa trên tinh thần yêu nước.
Cuộc khảo sát của Văn phòng thương mại EU thực hiện ghi nhận 52% số người được hỏi nói rằng tâm lý e dè trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và chiến lược doanh nghiệp của họ tại đây. Con số này đối với Mỹ là 26%.
Không chỉ vậy, một người được phỏng vấn từ ngành thông tin và truyền thông cho biết họ được đối tác doanh nghiệp nhà nước đề nghị bản địa hoá công nghệ và R&D tại đại lục nếu muốn tiếp tục là nhà cung ứng “Made in China”.
“Tiết chế tham vọng với thị trường Trung Quốc”
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung không phải là mối quan tâm chính trị duy nhất đối với các công ty châu Âu đang làm ăn tại đây. Có khoảng 45% ý kiến nhận định rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động tiêu cực đến hoạt động và chiến lược của họ.
“Khả năng chiến sự leo thang tại châu Âu hoặc căng thẳng tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan là những kịch bản doanh nghiệp đang tính đến”, trích báo cáo của phòng thương mại EU. Đây là những rủi ro tiềm tàng, góp phần vào xu hướng “không ủng hộ tăng đầu tư R&D ở Trung Quốc”.
Trái ngược với các doanh nghiệp EU, cuộc khảo sát cho thấy những tập đoàn đa quốc gia lại có kế hoạch “tăng cường đáng kể” cho nghiên cứu và phát triển ở đại lục trong năm 2024. Có hơn 30% đại diện tập đoàn đa quốc gia được hỏi nói rằng họ có kế hoạch mở rộng.
Song, về đầu tư dài hạn (từ 5 năm trở lên), chỉ có 5% số người được hỏi khẳng định sẽ tăng chi tiêu cho R&D tại quốc gia này.
“Điều đó không nhất thiết là các công ty này rút lui khỏi Trung Quốc, họ có thể đang tiết chế lại tham vọng với thị trường này”, nghiên cứu kết luận.
Các công ty được khảo sát cũng chỉ ra một số điểm tích cực khi thâm nhập sâu hơn vào thị trường tỷ dân, chẳng hạn như quy mô thị trường lớn và nhu cầu mạnh mẽ. Tốc độ R&D được thương mại hoá tại đây cũng là điểm sáng để lấy sản phẩm phát triển tại Trung Quốc và triển khai sang những thị trường khác.
(Theo Bloomberg)