Hiện nay, dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài hoạt động nhộn nhịp dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh kênh chuyển tiền chính thức vẫn còn tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật để chuyển tiền chui ra nước ngoài.

Nở rộ dịch vụ chuyển tiền “chui” ra nước ngoài ảnh 1

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi có nhu cầu chuyển tiền quốc tế, khách hàng có thể đến giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: TL

Đủ kiểu chuyển tiền

Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy hiện nay nhu cầu giao dịch ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài gia tăng mạnh. Đó là chuyển ngoại tệ cho mục đích công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; chuyển tiền cho mục đích học tập, chữa bệnh; chuyển tiền trợ cấp cho thân nhân, cho người hưởng thừa kế, cho mục đích đi định cư ở nước ngoài...

Chính vì nhu cầu chuyển tiền rất đa dạng và gia tăng nên các dịch vụ chuyển tiền đi nước ngoài hoạt động nhộn nhịp. Chỉ cần vào Google gõ cụm từ “chuyển tiền ra nước ngoài” lập tức xuất hiện hàng loạt trang web quảng cáo về dịch vụ này, trong đó nhiều trang web quảng cáo “Chuyển tiền đi nước ngoài siêu nhanh, giá rẻ, uy tín”, “Chuyển tiền ra nước ngoài siêu rẻ, chỉ trong vài phút, thủ tục vô cùng đơn giản”.

Đáng nói, nhiều trang web còn khẳng định sẵn sàng chuyển tiền tới hàng trăm quốc gia trên thế giới một cách an toàn với chi phí siêu rẻ, thậm chí… miễn phí. Đặc biệt, để thuận tiện hơn cho người thân, gia đình, bạn bè hay đối tác nhận tiền ở đầu nước ngoài, nhiều nơi còn nhận chuyển bằng tiền Việt và giúp khách hàng quy đổi sang USD, euro, bảng Anh và các ngoại tệ khác.

Bất ngờ với phí… 0 đồng

Chia sẻ về câu chuyện chuyển tiền ra nước ngoài của mình, chị Phương Mai (quận Tân Bình, TP.HCM) kể một lần chị chuyển 4.000 USD sang Mỹ cho anh trai với cách thức rất đơn giản.

“Tôi ở Việt Nam giao tiền. Phía Mỹ, anh trai tôi cung cấp thông tin cá nhân để xác thực và nhận tiền. Sau khi được người quen giới thiệu, tôi tìm đến dịch vụ chuyển tiền tư nhân ở quận Bình Thạnh. Do lần đầu tiếp xúc nên họ chụp ảnh và nhận USD, rồi gửi hình ảnh cho đầu cầu ở Mỹ để xác nhận giao dịch. Sang đến lần chuyển thứ hai, tôi chỉ cần đưa tiền và trong ngày sẽ có người giao tiền mặt cho anh trai” - chị Mai kể.

Điều khiến chị Mai ngạc nhiên là không tốn một đồng phí nào cho dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam và phía bên Mỹ cũng không bắt người nhận phải chi thêm đồng phí nào. “Tìm hiểu tôi mới biết, họ “ăn” dựa trên chênh lệch tỉ giá và chỉ nhận giao dịch với những khách hàng do người quen thân giới thiệu, không làm đại trà và cũng không giao dịch chuyển với số tiền quá 10.000 USD để hạn chế rủi ro” - chị Mai nói.

Chị Thảo My (quận 2, TP.HCM) tiết lộ rằng cách đây không lâu, chị muốn chuyển 6.300 USD cho người bạn đang mắc kẹt tại Mỹ vì dịch bệnh. Chị tham khảo mức phí chuyển tiền tại một ngân hàng (NH) thương mại và được nhân viên tư vấn rằng: Nếu lựa chọn dịch vụ chuyển tiền quốc tế MoneyGram thì mức phí sẽ là 58 USD. Còn nếu chuyển tiền đi nước ngoài bằng hối phiếu NH, mức phí là 0,25% trên số tiền cần chuyển, tương đương khoảng 16 USD. Thời gian chuyển tiền dao động 1-3 ngày. Sau khi tìm hiểu, chị quyết định nhờ dịch vụ chuyển tiền chui vì “thuận tiện và nhanh chóng”.

Tìm hiểu về mức phí chuyển tiền ra nước ngoài, chúng tôi được biết tùy nước và tùy số tiền gửi mà mức phí sẽ khác nhau. Chẳng hạn, mức phí nhận chuyển tiền online từ Canada về Việt Nam và ngược lại dao động 1%-1,5% trên số tiền cần chuyển. Tiền chuyển càng nhiều thì phí càng rẻ.

Nở rộ dịch vụ chuyển tiền “chui” ra nước ngoài ảnh 2

Hồi tháng 1-2022, cơ quan chức năng tỉnh An Giang phát hiện và thu giữ số lượng lớn vàng lậu và ngoại tệ trái phép. Trong ảnh: Ngoại tệ thu giữ trong lúc khám xét. Ảnh: NT - MP

Muốn chuyển tiền ra nước ngoài phải qua nhiều bước

Theo quy định của NH Nhà nước, việc chuyển tiền ra nước ngoài thông qua NH quy định rất chặt chẽ và phải qua nhiều bước với quy trình khá phức tạp.

Chẳng hạn, với mục đích chuyển tiền để trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài thì người gửi phải chuẩn bị hàng chục loại giấy tờ như: Lệnh chuyển tiền quốc tế, hợp đồng mua bán ngoại tệ, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, xác nhận nhập cảnh trên hộ chiếu, hợp đồng lao động hoặc các giấy tờ khác chứng minh người được trợ cấp đang ở nước ngoài…

Hạn mức để gửi tiền trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài cũng được quy định ở mỗi NH một mức khác nhau. Có NH đồng ý mức chuyển tiền cho một thân nhân được hưởng trợ cấp là không quá 20.000 USD/năm, song lại có NH quy định hạn mức chuyển tiền tối đa chỉ có 7.000 USD/người/năm. Các giấy tờ chứng minh nhu cầu chuyển vượt mức có thể là những chứng từ như hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà…

Còn nếu chuyển tiền với mục đích định cư thì ngoài những giấy tờ cơ bản như hợp đồng mua bán ngoại tệ, hộ chiếu còn hiệu lực…, người dân còn phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số tiền. Trong đó bao gồm cả tính hợp pháp của việc người đi định cư sở hữu số tiền đó, đồng thời người chuyển tiền còn phải chứng minh nguồn gốc tiền có hợp pháp hay không, giấy phép mang ngoại tệ ra nước ngoài có hợp lệ hay không…

Lách quy định, nhiều rủi ro

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều quy định về quản lý việc chuyển tiền ra nước ngoài nhưng vẫn có những kẽ hở nên bị lợi dụng. Mặt khác, thực tế không phải lúc nào cũng chứng minh được mục đích chuyển tiền của mình nên không ít người lựa chọn cách thông qua dịch vụ ngầm để được việc dù biết có nhiều rủi ro.

Các hình thức chuyển tiền chui cũng rất đa dạng, trong đó gần đây xuất hiện dịch vụ chuyển tiền chui thông qua các ứng dụng (app), sàn giao dịch tiền ảo, các tiệm vàng, các công ty xuất nhập khẩu… với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn và chênh lệch tỉ giá không nhiều.

Chị Thu Trinh (một người từng thực hiện dịch vụ này) bật mí: Có lần chị cần mua USD để chuyển sang Mỹ và gọi điện thoại cho các cửa hàng vàng để hỏi tỉ giá thì đều nhận được lời từ chối là không thu đổi ngoại tệ, thậm chí có nơi còn cảnh báo “nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị phạt nặng, vì đây là giao dịch bất hợp pháp”. Thế nhưng đến khi chị được một người bạn kết nối với một số cửa hàng và dịch vụ buôn ngoại tệ chợ đen thì việc giao dịch diễn ra vô cùng thông thoáng, nhanh gọn.

“Chỉ cần một cú điện thoại là ngay lập tức có người mang USD đến giao tận cửa nhà với tỉ giá thỏa thuận. Đến khi tôi giao tiền VND thì người giao USD còn không thèm kiểm đếm mà cứ thế bỏ túi rồi chuồn. Hai bên không biên nhận, không nhắn tin nên nếu chẳng may không kiểm tra kỹ, để bị dính đô la giả, rách… thì ráng chịu” - chị Trinh kể.

Nhiều người thừa nhận họ biết chuyển tiền qua đường không chính thức là phi pháp, nếu bị các cơ quan chức năng phát hiện thì gặp rắc rối. Chưa kể, thực tế đã có rất nhiều người bị lừa, tức là khâu trung gian làm dịch vụ đã nhận tiền nhưng không giao tiền cho người thụ hưởng. Bởi khi chuyển tiền qua đường không chính thức, hai bên giao dịch với nhau chủ yếu dựa trên niềm tin, vì vậy nếu bị lừa thì rủi ro rất lớn cho cá nhân vì không thể nhờ pháp luật can thiệp.

Thủ đoạn rất tinh vi

Mới đây, VKSND TP Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố vụ chuyển tiền trái phép với quy mô lên tới hơn 30.000 tỉ đồng qua biên giới. Theo cáo trạng, với thủ đoạn rất tinh vi, Nguyễn Thị Nguyệt và chồng là Phạm Anh Tuấn (cùng trú tại Hà Nội) câu kết cùng các đồng phạm hợp thức hóa hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài.

Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều vụ vận chuyển lậu tiền trái phép ra nước ngoài. Đơn cử, trong vụ án buôn lậu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính của công ty này) thừa nhận thông qua trung gian đã chuyển hơn 2.500 tỉ đồng ra nước ngoài.

 

(Theo Pháp Luật TP.HCM)