Nhà ở xã hội là sản phẩm nhà ở được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước chỉ dành cho người có thu nhập thấp, gia đình chính sách. Người dân muốn mua được một căn nhà thuộc các dự án nhà ở xã hội phải qua khâu xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt.
Lách luật thu tiền “chênh”
Gần đây, nhân viên môi giới bất động sản lại tiếp tục ngang nhiên chào bán các căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội mà không phải đến làm hồ sơ, không phải bốc thăm. Thậm chí, còn có thể chọn căn hộ theo đúng ý mình với điều kiện phải trả một khoản tiền chênh lệch cho đơn vị môi giới hàng trăm triệu đồng/căn. Khoản tiền chênh lệch này sẽ được hợp thức hóa bằng một bản hợp đồng tư vấn dịch vụ pháp lý.
Đơn cử, tại dự án nhà ở xã hội IEC tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, ngay từ khi khởi công xây dựng và đang trong giai đoạn bán hồ sơ cho khách mua nhà. Nhưng, tại phía bên ngoài dự án, các nhân viên môi giới đã chào mời khách mua nhiều suất ngoại giao căn đẹp, hướng đẹp với mức tiền chênh từ 70 - 130 triệu đồng/căn tùy từng vị trí.
Theo lời giới thiệu của nhân viên môi giới tên Vũ đang rao bán căn hộ dự án nhà ở xã hội IEC tư vấn: “Thực ra nếu anh tìm hiểu sâu về nhà ở xã hội thì toàn bộ hồ sơ bây giờ là thương mại hoá hết. Tất cả những căn bên em bán đều có giá chênh vì hồ sơ sẽ không đủ điểm để đỗ thì hình thức nó sẽ phải là dịch vụ… Căn 3 ngủ sẽ có giá chênh là 130 triệu đồng, căn 2 ngủ là 100 triệu đồng”.
Trong khi các hoạt động rao bán căn hộ dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì của môi giới diễn ra rầm rộ thời gian qua, chủ đầu tư lại khẳng định không hợp tác với đơn vị sàn môi giới nào. |
Giải thích về số tiền chênh trên, Vũ cho biết: “Tiền chênh là tiền tư vấn dịch vụ hồ sơ. Mình sẽ được chọn căn, chọn tầng. Nếu quy trình đúng nhà ở xã hội, anh là trường hợp có công với cách mạng, anh đạt 80 điểm và được tiếp nhận hồ sơ. Nhưng đến vòng 2 là vòng bốc thăm, anh sẽ bốc ngẫu nhiên, anh thích 77m2 nhưng anh có thể bốc được 53m2. Lúc đó, anh có thể mua hoặc không mua… và chỉ được nộp hồ sơ 1 lần, 1 dự án”.
Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội trên địa bàn phường Phương Canh (Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), nhân viên môi giới của nhiều sàn bất động sản đang rao bán rầm rộ các căn hộ dự án này. Thông qua hình thức thu phí dịch vụ, các môi giới thu tiền chênh từ 50-100 triệu đồng tuỳ từng vị trí, diện tích căn hộ.
Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, các hành vi như: Thu chi phí hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ và cam kết sẽ được mua nhà ở xã hội là hàng chục triệu đồng; Chi phí để khách hàng mua được căn góc, vị trí đẹp chênh so với giá gốc hàng trăm triệu đồng; Trường hợp mua lại nhà ở xã hội thì phải trả tiền chênh lệch so với giá gốc… là trái với các quy định hiện hành về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục mua bán nhà ở xã hội, đã được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định, Thông tư đã được ban hành.
"Loạn" giá nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dành cho những đối tượng được hưởng quyền mua nhà ở xã hội như: người nghèo, người bị thu hồi đất, người có công với cách mạng, người phục vụ trong lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức... không có nhà ở. Đây là chính sách nhân văn của Nhà nước, giúp những người khó có điều kiện mua nhà ở thương mại được tiếp cận với nhà ở để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện tại, theo ghi nhận của Dân Việt, nhà ở xã hội tại Hà Nội đang có giá trung bình khoảng 15-16,5 triệu đồng/m2 tuỳ từng vị trí. Nhưng, thị trường chứng kiến những chủ đầu tư đưa ra mức giá cao kỷ lục.
Lý do đính chính giá nhà là gì cũng không được công bố. Nếu tính 5% thuế VAT vào giá công bố này, thì mức giá tạm tính của chủ đầu tư đính chính cũng đã ở mức hơn 18,3 triệu đồng/m2.
(Theo Dân Việt)