Sớm tinh mơ. Lão ngư Phan Thuẫn (77 tuổi) – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngồi trầm ngâm sát mép cảng Đông Tác. Ánh mắt đăm chiêu như chất chứa nỗi niềm, ngư phủ ngót nửa thế kỷ gắn đời mình với nghề đánh bắt, ngóng vọng xa xăm về biển trời Hoàng Sa.
Giọng bùi ngùi, ông Thuẫn tâm sự, cách đây 4 năm, khi nhận thấy bản thân đã tiệm cận ngưỡng tuổi cao sức yếu, ông quyết định nhượng lại con tàu từng đồng hành với mình suốt hàng chục năm vươn khơi câu cá ngừ đại dương. Bán tàu, lui về quây quần cùng cháu con, thỉnh thoảng, ông nhớ nghề, nhớ ngư trường đến cồn cào.
Vậy nên, nhắc tới nghề câu cá ngừ đại dương, gương mặt sạm đen vì bụi đường thời gian của lão ngư như hằn lên sự hồ hởi. Ông Thuẫn lấy làm tự hào khi Phú Yên chính là “cái nôi” khai sinh nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam.
Theo ông Thuẫn, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trong một chuyến vươn khơi hành nghề lưới chuồn, ngư cụ của tàu ông Trần Văn Liên (làng chài Phú Câu, phường 6) vướng phải giàn câu tàu nước ngoài. Vớt giàn câu lên tàu mình, ông Liên và bạn thuyền phát hiện có cá ngừ dính câu.
“Mang nguyên giàn câu này trở về đất liền, các ngư dân hành nghề trên tàu ông Liên bắt đầu nghiên cứu, sản xuất giàn câu tương tự.
Một ngày đầu năm 1994, lần đầu tiên tàu ông Liên ra khơi câu cá ngừ, mồi câu được sử dụng là cá chuồn. Kết quả, chỉ trong vài ngày giăng câu ở vùng biển cách bờ chừng 10 hải lý, tàu ông Liên thu về hàng chục con cá ngừ to lớn, bán lời cả trăm triệu đồng”, ông Thuẫn cho hay.
Đó cũng là dấu mốc lịch sử, đánh dấu nghề câu vàng cá ngừ đại dương hình thành và mở ra thời kỳ đánh bắt vàng son cho ngư dân Phú Yên.
Từ khi chuyển hướng hẳn sang câu cá ngừ đại dương, ông Liên và chục bạn thuyền của mình phất lên trông thấy. Bản thân ngư dân Thuẫn dù có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề lưới chuồn cũng bị “mê hoặc” bởi nghề câu vàng. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 kể tiếp: “Năm 1997, tôi cải hoán lại tàu cá, trang bị vàng câu hơn 1.000 lưỡi. Hồi ấy cứ giong thuyền ra tới ngư trường, chọn vị trí rồi rải đều vàng câu kéo dài 20 hải lý. Sau khi thả vàng câu, tôi và bạn thuyền ngồi canh phao, đến khi thấy cá ăn nhiều sẽ kéo vàng câu lên, thu hoạch cá đưa vào hầm bảo quản. Hầu hết phiên biển nào cũng bội thu cá ngừ đại dương”.
Nhắc đến nghề câu cá ngừ đại dương, ngư dân Phạm Văn Minh vẫn lưu dấu ký ức về thời kỳ vàng son của câu vàng. Ông Minh chia sẻ, giai đoạn từ năm 2000 đến 2012, trung bình mỗi chuyến ra khơi, tàu của ông thu hoạch không dưới 1 tấn cá ngừ đại dương, mỗi thuyền viên bỏ túi vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.
“Giá cá hồi ấy có khi chạm ngưỡng 220 nghìn đồng/kg nhờ chất lượng tốt. Tàu nào tàu nấy cập cảng với đầy ắp cá ngừ đại dương, ngư dân khiêng đến mỏi tay. Chả buồn cho bây giờ, chuyến vươn khơi nào cũng phập phồng âu lo vì đối mặt thua lỗ”, ông Minh bộc bạch.
Theo lão ngư Phan Thuẫn cùng nhiều ngư dân Phú Yên, năm 2013, nghề câu cá ngừ đại dương bước sang giai đoạn mới. Đây là thời điểm phương thức câu vàng truyền thống dần “không còn đất để dụng võ”. Thay vào đó, ngư dân chuyển sang câu tay kết hợp ánh sáng (câu đèn).
Với phương thức câu đèn, mỗi tàu chỉ trang bị 4 cần câu bằng tre, bố trí ở 2 mũi và 2 lái, dùng mực sống làm mồi câu. Bên cạnh đó, tàu còn được gắn giàn đèn từ 15 - 20 bóng (công suất 1.000W/bóng). “Đối với câu đèn, ngư dân sẽ tận dụng ánh sáng của giàn đèn để dẫn dụ cá ngừ. Khi cá đớp mồi, nhiều người sẽ phối hợp kéo câu. Lúc đó, cá bị kéo lên đột ngột khiến thân nhiệt tăng cao, dẫn tới chất lượng kém hơn so với câu vàng truyền thống. Đó là lý do vì sao giá cá giảm sút”, ông Thuẫn phân tích.
Nhiều ngư dân nhận định, giữa câu vàng và câu đèn thì câu vàng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mặc dù là nơi “khai sinh” nghề câu cá ngừ đại dương nhưng đến thời điểm hiện tại, Phú Yên có bước “thụt lùi” so với Bình Định và Khánh Hòa. Số lượng tàu thuyền chuyên câu cá ngừ đại dương của 2 tỉnh lân cận đã vượt hàng ngàn phương tiện. Điều này dẫn đến ngư trường khai thác bị thu hẹp, buộc ngư dân phải chuyển hướng sang câu đèn, bởi nghề câu vàng đòi hỏi diện tích đánh bắt lớn.
Xế trưa. Cảng cá Đông Tác tràn ngập bầu không khí chộn rộn. Tàu thuyền neo ken đặc khắp bề mặt con nước. Hàng trăm ngư dân hối hả tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ cho chuyến vươn khơi đầu năm mới.
Chừng mươi phút nữa, con tàu mang số hiệu 94691 TS của anh Nguyễn Đức Trạng (trú phường Phú Đông) sẽ nhổ neo, đạp sóng phành phạch, nhắm thẳng hướng Hoàng Sa. Trước giờ giong thuyền ra khơi, vị thuyền trưởng với 32 năm tuổi đời nhưng có thâm niên ngót 15 năm hành nghề đánh bắt, lộ rõ vẻ lo lắng trên gương mặt dạn dày sương gió.
Giọng nằng nặng đậm chất xứ Nẫu, Trạng ngậm ngùi kể, cách đây 10 ngày, con tàu 400 mã lực của gia đình anh cập cảng sau hành trình đánh bắt xuyên Tết. Ròng rã cả tháng trời “ăn gió nằm sương” ngoài ngư trường Hoàng Sa, sản lượng cá ngừ mà anh cùng 5 thuyền viên câu được chỉ đạt xấp xỉ 3 tạ.
Đông Tác – một trong những cảng cá lớn nhất ở địa phương được xem là “thủ phủ” cá ngừ đại dương. |
“Với giá bán dao động từ 90 - 95 nghìn đồng/kg, 3 tạ cá chỉ mang lại khoản thu gần 28 triệu đồng. Trong khi chi phí cho toàn bộ chuyến đi tốn cả trăm triệu. Cá câu được quá ít mà thất vọng thì tràn trề”, thuyền trưởng Trạng buông tiếng thở dài, nói.
Chấp nhận đón Tết ngoài trùng khơi, để rồi kết thúc phiên biển trong lỗ nặng, Trạng và 5 bạn thuyền của mình đành bất lực “nuốt nước mắt”. Khoản thua lỗ của chuyến ra khơi thất bát, Trạng một mình chạy vạy vay mượn để gồng gánh. Các thuyền viên thấu cảm cũng chẳng đòi hỏi một đồng thù lao. Với họ, đây không phải là phiên biển thất bại đầu tiên. Và “điệp khúc” ra khơi…lỗ nặng dường như chẳng chừa một con tàu nào ở vùng đất được xem là “cái nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương.
Neo sát mép phương tiện của Trạng là tàu mang số hiệu PY 96789 của ông Phạm Văn Lai (trú phường 6, TP Tuy Hòa). Cũng như Trạng, chuyến biển gần đây nhất, ông Lai và 7 thuyền viên hành nghề trên con tàu hơn 420 mã lực “nếm quả đắng”
“Cuối tháng 11 Âm lịch, tàu tôi vào vùng biển Trường Sa câu cá ngừ. 25 ngày sau, tàu cập bờ với tổng cộng 5 tạ cá. Bán tống bán tháo cho thương lái cũng chỉ được ngót nghét 45 triệu. Trong khi cả chuyến đi ngốn gần 150 triệu tiền dầu, lương thực, đá…
Mấy ngày sau Tết, tôi chạy đôn chạy đáo xoay tiền để đổ dồn vào chuyến mở biển đầu năm. Nếu phen này lại lỗ nữa thì chắc đổ nợ”, thuyền trưởng kiêm chủ tàu Phạm Văn Lai bộc bạch.
Ngư dân Phạm Văn Lai kiểm tra lại dàn đèn trên tàu trước khi vươn khơi. |
Liên tục đối mặt với tình cảnh thua lỗ sau mỗi chuyến vươn khơi, những năm gần đây, nhiều ngư dân ở Phú Yên chuyên câu cá ngừ đại dương quyết định rẽ hướng sang hành nghề lưới chụp, lưới vây…Thậm chí, không ít người chấp nhận bán tàu, từ giã nghề câu cá ngừ đại dương. Trường hợp của ngư dân Huỳnh Phước (53 tuổi, trú phường Phú Đông) là một minh chứng.
Cách đây 6 năm, ông Phước quyết định bán con tàu 450 CV cho một người quen với giá “hữu nghị”. Ông “đoạn tuyệt” với nghề câu cá ngừ đại dương sau 15 năm gắn bó.
Gióng ánh nhìn về phía đoàn tàu đang nối đuôi nhau rời cảng, đôi mắt nặng trĩu ưu tư, ông Phước kể: “Năm 2000, tôi cải hoán tàu hành nghề lưới vây để chuyển sang câu cá ngừ đại dương. Phần lớn thời gian theo nghề câu, tôi ăn nên làm ra nhờ chuyến vươn khơi nào cũng bội thu cá ngừ, đặc biệt là khoảng thời gian còn đánh bắt bằng phương thức câu vàng.
Từ năm 2013, khi câu đèn bắt đầu được áp dụng rộng rãi, nghề câu cá ngừ gặp khó vì giá cá giảm sâu. Do vậy tôi bán tàu”.
Sau nhiều chuyến vươn khơi thua lỗ, ông Huỳnh Phước đành phải bán tàu. |
Không chọn bán tàu như ông Phước nhưng hai năm nay, con tàu từng cưỡi sóng, tung hoành ở Hoàng Sa, Trường Sa trung bình 7-8 chuyến/năm của ngư dân Trần Như gần như nằm bờ. Giá nhiên liệu cao, sản lượng đánh bắt không đạt như mong đợi, cộng với giá cá thấp là tập hợp lý do khiến lão ngư này hoạt động đánh bắt cầm chừng.
“Hy vọng trong thời gian đến, việc khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn, nhất là khâu bảo quản sản phẩm và thị trường tiêu thụ”, ông Như bày tỏ.
(Theo VTC News)
Ngư dân bắt được cá lạ giống cá mập, bán 18 triệu đồng
Sau khi đưa con cá nặng gần 150 kg vào bờ, ngư dân bán cho thương lái với giá 18 triệu đồng.