Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vừa tổ chức hội thảo Nhiếp ảnh Việt Nam 50 năm phát triển cùng đất nước và hội nghị Tổng kết năm 2024, triển khai kế hoạch hoạt động từ nay đến hết nhiệm kỳ (2020-2025).
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống - khẳng định: “Nhiếp ảnh trở thành hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật, văn hóa tinh thần của con người".
Tại hội thảo, các ý kiến tập trung tổng kết, đánh giá toàn diện và sâu sắc những thành tựu nổi bật của nhiếp ảnh Việt Nam qua chặng đường nửa thế kỷ; nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, thực hiện mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
“Với sức mạnh ghi lại chân thực, tác động mạnh mẽ đến cảm xúc và khả năng kể chuyện sâu sắc, nhiếp ảnh đã phản ánh hiện thực cuộc sống, góp phần xây dựng nhận thức, khơi gợi đồng cảm và thúc đẩy thay đổi tích cực trong xã hội”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Lưu Quang Phổ, vấn đề hiện nay là cần định hướng như thế nào để thu hút người xem tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ảnh.
Theo nghệ sĩ Lưu Quang Phổ, nhiều người phải lên vùng cao chụp ruộng bậc thang, vào miền Tây chụp hoa súng. Vì đẹp, người ta phải thuê mẫu đi đứng, nói cười, dùng phần mềm chỉnh sửa, thậm chí tải hình ảnh trên mạng để ghép vào ảnh của mình. Vì đẹp, người ta phải dàn dựng cảnh trẻ em học bài, bộ đội luyện tập, công an điều tra...
"Những bức ảnh như vậy không thỏa mãn công chúng bởi họ xem nhiều thành quen và có lẽ đã chán rồi", nghệ sĩ Lưu Quang Phổ nói.
Theo nghệ sĩ, giá trị gốc của nhiếp ảnh là tính tài liệu, hiện thực được đóng khung trong góc nhìn của nhà nhiếp ảnh. Nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta đã dàn dựng cảnh như điện ảnh hoặc sân khấu để có những bức ảnh mô tả hiện thực, nhưng lại gọi nó là hiện thực. Về bản chất, đó là một hiện thực được làm giả mà lâu nay được chấp nhận với danh nghĩa ảnh nghệ thuật.
Bên cạnh đó, nhiếp ảnh Việt Nam đang thiếu đi một mảng quan trọng là phản ánh mặt trái của đời sống xã hội. Trong các triển lãm, người xem không thấy được cảnh nghèo khó để chia sẻ, không thấy những vi phạm, sai trái để phẫn nộ và đấu tranh...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh, 50 năm qua, vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam đã từng bước được nâng cao. Những thành tựu của nhiếp ảnh đã góp phần làm phong phú cho hoạt động văn học nghệ thuật, minh chứng cho các chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhiếp ảnh còn có giá trị truyền thông mạnh mẽ hiện thực, tạo niềm tin cho công chúng trong mọi thời đại.
Bà Đông hy vọng, trong thời gian tới, phát huy thành tích đã qua, cùng với sự phát triển của đất nước, nhiếp ảnh Việt Nam có những bứt phá ngoạn mục hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc ngày càng văn minh, giàu mạnh.