Cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương do ông Dương Ngọc Minh làm chủ tịch vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định tiếp tục duy trì ở diện đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12 trên sàn UpCom, do HVG chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp.

Trong báo cáo tài chính gần nhất, tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của công ty đạt 7.793 tỷ đồng. Trong đó, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn lên là hơn 3.629 tỷ đồng, dự phòng phải thu ngắn hạn lên tới 1.043 tỷ đồng. 

Ngoài ra, nợ phải trả của HVG đang ở mức 7.134 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng khoảng 3.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, lỗ lũy kế của HVG vượt 1.740 tỷ đồng.

co phieu hvg.png
Cổ phiếu HVG tiếp tục bị đình chỉ giao dịch. 

Công ty CP Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương, được thành lập và đi vào hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vào năm 2003. Ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 32 tỷ đồng, công suất 50 tấn nguyên liệu/ngày và 500 cán bộ công nhân viên.

Nói đến Chủ tịch Dương Ngọc Minh, nhà đầu tư nghĩ đến doanh nhân một thời nổi tiếng với biệt danh "vua cá tra" cùng slogan nổi tiếng "Think of fish, eat panga!" (Nghĩ đến cá, hãy ăn cá tra).

Về lịch sử phát triển của HVG, tháng 1/2007, HVG chính thức trở thanh công ty cổ phần với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Đến năm 2009, tổng tài sản của HVG lên đến 600 tỷ đồng và là nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra có mô hình sản xuất chế biến khép kín hàng đầu Việt Nam.

Tháng 11/2009, HVG chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã cổ phiếu HVG.

Năm 2016, HVG ghi nhận doanh thu lên tới gần 18.000 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng đạt chưa đầy 10 tỷ. Sang năm 2017, Hùng Vương vẫn đạt trên 15.500 tỷ đồng doanh thu nhưng đã lỗ sau thuế hơn 705 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2020, hơn 227 triệu cổ phiếu HVG chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. Từ đó, HVG chuyển đăng ký giao dịch sang sàn UPCoM.

Tuy nhiên, việc công bố thông tin vẫn chậm trễ dẫn đến việc bị duy trì diện đình chỉ giao dịch.

Trên thị trường, sau khi vào diện đình chỉ giao dịch, cổ phiếu HVG đang ở mức 1.400 đồng/cp.

Thời gian qua, nhiều cổ phiếu nổi danh trên sàn chứng khoán bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ công bố thông tin.

Đơn cử, cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holding do Shark Thủy làm Chủ tịch cũng bị HNX đình chỉ giao dịch ngay sau khi chuyển từ sàn HoSE sang sàn UpCoM kể từ ngày 15/12.

Cổ phiếu GTT của CTCP Thuận Thảo do nữ đại gia Võ Thị Thanh làm Chủ tịch vào diện đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12 trên UpCom do chưa công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong nhiều năm liên tiếp. Đến nay, GTT vẫn chưa công bố và không có biện pháp khắc phục.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* TNG: CTCP Đầu tư và Thương mại TNG thông báo đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng và về đích trước thời hạn 16 ngày so với kế hoạch.

* FBC: Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Cơ khí Phổ Yên với tổng số tiền phạt, truy thu và chậm nộp thuế hơn 1,6 tỷ đồng. 

* DDG: Bà Yang Hỷ An, con gái của bà Trần Kim Sa - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương - báo cáo đã thoái sạch vốn khỏi công ty vì lý do tài chính cá nhân.

* CII: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã bán gần 8 triệu SII của CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn từ 28/11-14/12.

* X26: Ông Trịnh Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP 26, đã hoàn tất mua gần 494.000 cổ phiếu X26, trở thành cổ đông lớn ngay trước thềm chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền tỷ lệ 5%.

* DRI: CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk sắp chi gần 22 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023. Tạm thời lấy từ nguồn tiền do công ty con Daklaoruco trả nợ vay. Ngày đăng ký cuối cùng là 25/12/2023, thời gian trả là 12/1/2024.

* DNH: Ngày 12/12, HĐQT CTCP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh mức cổ tức kế hoạch năm 2023 từ 20% lên 24%. Công ty ước tính sẽ vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt 7,4% và 28%.

* POM: Chưa kết thúc thời gian giao dịch bán ra 3,5 triệu cổ phiếu từ 22/11-20/12, ngày 15/12, chị gái Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina là bà Đỗ Thị Nguyệt tiếp tục đăng ký thoái sạch hơn 1,2 triệu cổ phiếu POM (0.43%) còn lại. Thời gian giao dịch dự kiến từ 21/12/2023-04/1/2024.

* HAR: Ngày 18/12, HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền quyết định nhận chuyển nhượng 8 lô đất tại Quận 9, TP.HCM với tổng giá trị hơn 294 tỷ đồng.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 19/12, VN-Index tăng 4,42 điểm (+0,4%) lên 1.096,3 điểm, HNX-Index tăng 1,54 điểm (+0,68%) lên 227,27 điểm, UpCOM-Index tăng 0,21 điểm (+0,25%), lên 85,1 điểm.

Theo Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), giai đoạn cuối năm tài chính, thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ và dòng tiền vào thị trường có phần co hẹp. Trong ngắn hạn, có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược mua quanh vùng hỗ trợ tương ứng VN-Index 1.080 điểm.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, VN-Index đã cho phản ứng hồi phục tương đối tích cực sau khi tiếp cận sát 1.080 điểm và hình thành nên mẫu nến rút chân, thể hiện diễn biến tâm lý có phần chủ động hơn từ phe mua.

Mặc dù vậy, VN-Index sẽ khó có khả năng tăng điểm bứt phá trong các nhịp tới do xu hướng giảm điểm trung hạn vẫn đang là chủ đạo và VN-Index có thể sẽ quay trở lại kiểm định ngưỡng cận dưới của vùng hỗ trợ 1.080 (+/-15) điểm.

Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức giảm sànCổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của Bầu Đức giảm sàn sau chuỗi ngày tăng vọt nhờ loạt thông tin tốt dồn dập đưa ra. Thị trường chứng khoán yếu với giao dịch ảm đạm, sự thận trọng bao trùm.