Gia đình ông Ngô Văn Thu ở Mê Linh, Hà Nội, vừa trải qua những ngày tháng đau buồn không thể tin. Họ mất 2 người con chỉ trong vẻn vẹn 2 tháng trời.
Từ nhỏ, con trai út của ông Thu sinh năm 2006 bị chứng giãn cơ tim bẩm sinh phức tạp, xơ hóa phổi. 14 tuổi, bệnh chuyển nặng, cuộc sống của em gắn liền nhiều hơn với bệnh viện với 5 lần phẫu thuật. Hai năm nay, em có tên trong danh sách chờ ghép tim, phổi tại Bệnh viện Việt Đức.
Chờ mãi nhưng chưa có người hiến phù hợp, cuối năm 2022, em phải giã từ cuộc sống vì không may mắc cúm, bội nhiễm viêm phổi.
Nỗi đau mất con trai chưa dịu lại, 2 tháng sau, ngày 9/2, vợ chồng ông Thu chết lặng vì người con gái cả là chị L.T (29 tuổi) gặp vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bác sĩ chẩn đoán chị bị chấn thương sọ não nặng, xuất huyết dưới nhện, chấn thương thận trái độ III. Chị bị hôn mê sâu, thận trái hỏng, lá lách dập phải cắt bỏ ở một cơ sở y tế trước khi chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ thông báo chị đã chết não.
Biết không thể níu kéo sự sống cho con gái, bố mẹ của chị T. có nguyện vọng và đồng thuận đăng ký hiến tặng tạng của con để cứu sống những bệnh nhân khác đang mòn mỏi, khắc khoải chờ tạng hiến. Có lẽ, hơn ai hết, họ hiểu sự mỏi mòn đó ra sao.
Căn phòng nơi chị T. nằm lặng lẽ, chỉ có tiếng máy thỉnh thoảng vang lên tít... tít... Nâng nhẹ bước chân, bà Hà dắt tay cô cháu ngoại mới 5 tuổi vào gặp mẹ T. lần cuối. Bà Hà cố kìm giọt nước mắt, tâm sự tỉ tê với con gái về quyết định hiến tạng cứu người của gia đình.
"Tôi biết ở thế giới bên kia, con gái tôi sẽ mỉm cười đồng ý với quyết định này. Cháu tôi năm nay mới 5 tuổi nhưng sau này lớn lên, cháu sẽ hiểu và tự hào về mẹ”, bà nghẹn ngào.
Rất nhiều lần, bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Lồng ngực và Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức gọi cuộc ghép đa tạng (tim, thận) từ nguồn hiến của chị T. là "kỳ duyên".
Sau vụ tai nạn, duy nhất một quả thận, trái tim và hai giác mạc của chị T. là có thể hiến cho bệnh nhân khác. Đúng lúc đó, có một người đàn ông 37 tuổi ở Tây Nguyên xa xôi trong suốt gần 1 năm nay mỏi mòn chờ tim, thận để có thể sống tiếp.
Bệnh nhân tên Q. cũng mắc bệnh giãn cơ tim như em trai chị T.. Anh còn bị suy tim, rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo liên tục trong 5-6 năm nay. Đây là gương mặt quen thuộc tại các phòng cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn tại TP.HCM và Huế do các cơn nhịp nhanh cấp tính.
Sáu ngày sau vụ tai nạn giao thông khiến chị T. chết não, ca ghép đa tạng tim - thận cho anh Q. diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức. Ca mổ kéo dài 10 tiếng đồng hồ. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công ca ghép đa tạng (tim - thận) trên cùng 1 bệnh nhân.
Sau ghép, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân Q. đã phục hồi gần như bình thường. Anh có thể ngồi dậy, ăn uống, đi lại và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức, cho biết đến nay viện đã thực hiện 1.500 ca ghép thận, 110 ca ghép gan, 49 ca ghép tim, 6 ca ghép phổi.
Trái tim, quả thận, lá phổi… và các “món quà sự sống” của những người hiến tặng mô tạng trước khi qua đời không chỉ cứu sống những cuộc đời tưởng chừng như hết hy vọng mà còn gieo niềm tin vào cuộc sống, đặc biệt với những người mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng từ đó, rất nhiều kỳ tích đã được viết lên.
Trong vài ngày tới, anh Q. sẽ được xuất viện trở về quê nhà, đoàn tụ với gia đình mang theo trái tim của người con gái Hà Nội. Một cuộc sống mới lại bắt đầu với người đàn ông từng gắn bó hằng ngày với bệnh viện.
,